Doanh nghiệp

Lợi thế cạnh tranh dẫn dắt tăng trưởng bền vững

Hạnh Lê 30/04/2025 00:12

Kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới mà giá trị đạt được từ những lợi thế cạnh tranh khác biệt.

Ông Loan Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị TOPPION Holdings đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với DĐDN.

50 năm đất nước thống nhất đánh dấu mốc thời gian quan trọng và ý nghĩa: nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển và tăng trưởng bền vững dựa trên ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

mr-son-1-(1).jpg
Ông Loan Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị TOPPION Holdings: kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững

Bốn trụ cột của phát triển bền vững

Theo ông Loan Văn Sơn, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững từ các thực hành ESG – động lực phát triển cao nhất mà các doanh nghiệp và nền kinh tế hướng tới được đảm bảo bởi 4 trụ cột chính mà các doanh nghiệp cần thực hiện tốt.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng dựa trên lợi thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp, được hiện thực hoá thành những mục tiêu và KPI cụ thể. Xây dựng chiến lược phát triển là yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Song ở thời điểm thị trường có nhiều thay đổi, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và cạnh tranh gay gắt, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp cần đưa ra lợi thế cạnh tranh mới tồn tại, phát triển.

Thứ hai, định hình văn hoá kinh doanh là hệ tư tưởng, triết lý kinh doanh. Văn hoá hình thành giúp công ty tăng trưởng, phát triển nhưng cũng là bài test kiểm tra tinh thần và tư tưởng của doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn. Chỉ có kinh qua những thử thách mới đánh giá văn hoá của tổ chức đó mạnh hay yếu.

Thứ ba, xây dựng quy trình, hệ thống ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững.

Cuối cùng, doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo kinh doanh minh bạch, chấp hành tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về kinh tế, đầu tư, môi trường…

Từ các trụ cột trên, ông Loan Văn Sơn cho rằng: khái niệm kinh doanh hiện nay cần được hiểu là kiếm lợi nhuận bằng lợi thế cạnh tranh khác biệt; thay vì tăng trưởng “nóng” để kiếm lợi nhuận bằng mọi cách. Nhiều doanh nghiệp và tập đoàn toàn cầu đã chuyển sang tăng doanh thu và lợi nhuận từ lợi thế cạnh tranh.

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Chủ tịch Hội đồng quản trị TOPPION Holdings đề cập đến Nhật Bản - một trong những quốc gia điển hình cho sự thành công từ việc nhận diện và kiên định theo lợi thế cạnh tranh. Ngay từ trong tư tưởng, các doanh nhân xứ sở mặt trời mọc đã xác định triết lý và lợi thế cạnh tranh của mình đến từ việc sản xuất các sản phẩm hàng hoá theo tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Được cung ứng với giá thành không hề rẻ nhưng các sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản có sức sống mãnh liệt.

ung dung CN
Liên kết các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng cao và bền vững

Từ bài học này, ông Loan Văn Sơn nhấn mạnh: đã đến lúc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần định vị lợi thế cạnh tranh riêng làm nền tảng kinh doanh và triết lý kinh doanh thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, sản xuất, tiêu dùng. Đây mới là mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo ông Loan Văn Sơn, nhiều năm trước đây, lợi thế cạnh tranh của chúng ta được nhắc đến là nguồn nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Thế nhưng những lợi thế này đang dần đi đến giới hạn. Tư duy phát triển dựa trên nguồn lực bên ngoài không còn phù hợp.

Thay vào đó, chuyên gia cho rằng, lợi thế cạnh tranh được xác định từ tư duy hoạch định và khả năng quy hoạch chiến lược. Đó là những cách thức tập hợp, huy động, liên kết các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp tìm kiếm, tạo lập mô hình/sản phẩm kinh doanh có năng lực cạnh tranh mà không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài, vào khoảng cách địa lý…

Đây cũng là xu hướng chung của toàn cầu. Tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các nền kinh tế trên thế giới đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào tri thức, công nghệ để tạo ra các nguồn lực xã hội thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững. Thực tế đã cho thấy ứng dụng công nghệ, một doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn có thể chiếm lĩnh phân khúc thị trường riêng, thậm chí là thị trường khu vực hoặc cung ứng sản phẩm công nghệ có khả năng cạnh tranh với “ông lớn” thế giới.

“Với sự thông minh, linh hoạt, ứng biến tốt, Việt Nam đang có ưu thế trong lĩnh vực trên để xác định lợi thế cạnh tranh tạo nên xung lực mới cho tăng trưởng bền vững cũng như chủ động thích ứng với các thách thức toàn cầu” - ông Loan Văn Sơn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lợi thế cạnh tranh dẫn dắt tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO