Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại

Lê Mỹ 28/08/2018 11:19

Mặc dù doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và sử dụng trọng tài và hòa giải thương thay cho ra tòa án trong hoạt động kinh doanh, song tâm lý e ngại và chưa quen vẫn còn tồn tại…

Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng định hướng và đặt một tầm nhìn tích cực, dài hạn. Không doanh nghiệp nào muốn nghĩ đến chuyện gặp những vấn đề “xui xẻo”, “trục trặc giữa đường” trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nên tránh nghĩ về nó.

p/Theo bà Mai Hạnh, Sở Tư Pháp TP HCM, chia sẻ tại hội thảo

Theo bà Mai Hạnh, Sở Tư Pháp TP HCM, chia sẻ tại hội thảo "Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - Phương án khả thi cho doanh nghiệp": hoạt động giải quyết tranh chấp và hòa giải thương mại đang ngày càng được doanh nghiệp quan tâm

Doanh nghiệp cần chủ động với rủi ro

Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cho rằng, các doanh nghiệp cần có tư duy “nếu chẳng may không suôn sẻ”. Điều đó cũng tương tự như một điểm cần thiết và cần được nghĩ đến - là sự dự báo và dự phòng rủi ro trong hoạt động của một doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Có nghĩ đến, có dự phòng và thậm chí kịch bản, giải pháp để xử lý khi tình huống rủi ro “chẳng may” xảy ra, được nhận định là yếu tố cần của hoạt động doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh kinh doanh chuyển động với nhiều yếu tố bất ngờ, thậm chí khó lường như hiện nay.

Ông Phan Trọng Đạt, đôi khi có những tình huống kinh doanh tưởng “ngon ăn” - nhưng nếu không có dự phòng rủi ro xảy ra, doanh nghiệp sẽ “rơi vào bẫy” và trở tay không kịp.

Ông Đạt dẫn trường hợp có doanh nghiệp châu Phi đến Việt Nam, muốn đặt mua tới 52 container bánh kẹo của doanh nghiệp Việt mà không cần xem mẫu hàng; nhưng khi doanh nghiệp chuyển hàng tới cảng, họ không nhận. Doanh nghiệp phải chịu lưu bãi với phí nặng và lâu dần chịu không nổi phải giảm giá bán để họ kéo hàng về. Đó chính là rủi ro mà nếu không lường tới trước, không chọn trọng tài hay hòa giải thương mại để tư vấn, xử lý tranh chấp tương lai nếu chẳng may xảy ra, thiệt thòi sẽ thuộc về doanh nghiệp. Viêc đưa một vụ việc như vậy ra tòa án quốc tế sẽ là vấn đề lớn cả về chi phí thời gian, án phí và rất nhiều nỗi vất vả mà doanh nghiệp có khi không “chờ được vạ” để sống sót.

Ưu điểm và lợi ích từ trọng tài và hòa giải

Theo bà Mai Tuyết Hạnh, Phó Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP HCM, ở góc độ quản lý và thực tiễn, việc giải quyết tranhh chấp bằng trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm. Trước hết đây là phương thức do các bên thỏa thuận và luật pháp cho phép thỏa thuận với nhiều nội dung liên quan đến lựa chọn trọng thương mại. Điều đó sẽ dỡ bỏ các rào cản để hai bên có giao dịch thương mại cùng chung tiếng nói thống nhất trong một lựa chọn.

  Đôi khi có những tình huống kinh doanh tưởng “ngon ăn” - nhưng nếu không có dự phòng rủi ro, doanh nghiệp sẽ “rơi vào bẫy” và trở tay không kịp.

Thứ hai, phán quyết trọng tài chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được thi hành. Nói ngắn gọn là phán quyết trọng tài có giá trị như phán quyết tòa án và các bên có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dan sự cưỡng chế thi hành theo phán quyết trọng tài nếu một trong các bên không thực hiện.
Một doanh nghiệp cho biết họ lựa chọn trọng tài thương mại do tin cậy vào yếu tố thi hành này, thay cho trước đây khi quy định chưa có, đôi khi phán quyết trọng tài đưa ra rồi…để đó.

Quan trọng, bà Hạnh cho rằng diễn biến xét xử bằng trọng tài và hòa giải thương mại được giữ bí mật, giúp các bên giữ được uy tín, chuyện nội bộ của doanh nghiệp.

Trong một trao đổi với DĐDN, Luật sư Châu Huy Quang lấy ví dụ chẳng hạn như câu chuyện của ông bà chủ Trung Nguyên, nếu không đưa nhau ra tòa mà sử dụng trọng tài hòa giải, các bí mật của hai bên sẽ không bị đi đến “tung hê” như hiện nay. Thiệt hại trước hết thuộc về thương hiệu Trung Nguyên.

Một ưu điểm đối với việc sử dụng trọng tài giải quyết tranh chấp, theo bà Hạnh là hiệu lực thi hành phán quyết trọng tài rộng, không chỉ có hiệu lực trong nước mà phán quyết của trọng tài thương mại Việt Nam còn được các quốc gia thành viên Công ước New York công nhận khi đủ điều kiện công ước.

Cuối cùng, trọng tài cho phép các bên sử dụng được kinh nghiệm của các chuyên gia, điều mà ở tòa án không có. Điều này cũng phù hợp với lựa chọn của doanh nghiệp có những đặc thù kinh doanh riêng và đôi khi, các quy định pháp lý và pháp luật thương mại trong lĩnh vực đó cũng đòi hỏi sự tham gia tư vấn cố vấn với sự hiểu biết chuyên sâu.

“Với những ưu điểm này và nhận thức ngày càng cởi sở, nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, các doanh nghiệp Việt có thể sẽ sớm “hòa nhập” cùng tư duy về chuẩn bị cho rủi ro và sẵn sàng lựa chọn trọng tài “trù bị” cho các tranh chấp thương mại, nếu có, tương tự như nhận thức và lựa chọn mà các doanh nghiệp quốc tế ngày nay đã áp dụng”, một Luật sư và thành viên -trọng tài viên quốc tế VIAC đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lợi thế của trọng tài và hòa giải thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO