Với khoản lợi nhuận từ hoạt động SXKD 329 tỷ đồng (không tính chi phí tài chính), SBIC dự kiến lỗ khoảng 3.900 tỷ đồng trong năm 2020.
Tình hình kinh doanh của SBIC trong năm 2020 được dự báo là còn khó khăn hơn năm 2019. Hiện Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang lên kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty năm 2020 là 2.910 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch 2019 và bằng 98,8% so với ước thực hiện năm 2019. Với khoản lợi nhuận từ hoạt động SXKD 329 tỷ đồng (không tính chi phí tài chính), SBIC dự kiến lỗ khoảng 3.900 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo lãnh đạo SBIC, năm 2019 vẫn là năm tiếp tục khó khăn với ngành hàng hải khi các hãng tàu biển trong và ngoài nước tiếp tục dư thừa trọng tải dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá cước. Thị trường đóng tàu quốc tế chỉ có một số ít đơn hàng đóng mới, xu hướng phục hồi chưa rõ ràng. Tại thị trường trong nước, do không thu xếp được nguồn vốn đầu tư nên các đơn vị kinh doanh vận tải biển cũng không có nhiều dự án đóng mới. Nguồn thu chính của SBIC trong năm 2019 vì vậy chủ yếu đến từ sửa chữa và công nghiệp phụ trợ.
“Cúi lưng nhặt bạc cắc”
Không giống thời hoàng kim của ngành đóng tàu Việt Nam giai đoạn 2004 - 2008 khi các đơn hàng đóng những tàu 50.000 DWT - 65.000 DWT, thậm chí là các siêu tàu chở dầu 100.000 DWT dồn dập đổ về, sản phẩm của SBIC hiện chủ yếu là các mẫu tàu nhỏ có giá trị không quá vài trăm tỷ đồng. “Người khổng lồ” trong ngành đóng tàu có doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 14/11/2019
17:20, 08/08/2019
06:50, 03/08/2019
06:17, 20/07/2019
17:15, 04/03/2019
Lãnh đạo SBIC từng bày tỏ, trong năm 2018, toàn SBIC (gồm công ty mẹ và 8 nhà máy đóng tàu được giữ lại) chỉ ký được 74 sản phẩm với giá trị hợp đồng khoảng 1.682 tỷ đồng, doanh thu thực hiện khoảng 800 tỷ đồng, bằng 48% giá trị doanh thu xúc tiến trong kế hoạch năm 2018.
Kể từ khi hoạt động theo mô hình tổng công ty từ năm 2013 đến nay, nếu hạch toán đúng, đủ theo các quy định của Luật Kế toán, năm nào, SBIC cũng lỗ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Nợ và lỗ quá lớn khiến khoản hỗ trợ 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh cho Vinashin trong gian đoạn 2008 - 2010 như “gió vào nhà trống”. Do khó khăn về tài chính, hạ tầng không có điều kiện duy tu bảo dưỡng, nhiều máy móc, thiết bị xuống cấp, uy tín bị giảm sút, việc tiếp cận các đơn hàng mới của toàn Tổng công ty trong những năm tới sẽ rất khó khăn.
Khó khăn còn kéo dài
Nếu nhìn vào tình hình làm ăn ngày càng sút kém như hiện nay, khả năng rất cao là SBIC chưa thể thanh toán các khoản nợ gốc, nợ lãi đến hạn. Trong bối cảnh thời điểm thị trường đóng tàu thế giới phục hồi vẫn rất mờ mịt, quá trình “nhặt bạc cắc” để tồn tại của SBIC chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Đưa ra ý kiến về việc tái cơ cấu lại nợ của SBIC, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh từng cho rằng, nguồn vốn của Vinashin mà bây giờ là SBIC rất khó xử lý, bởi trong đó có một khoản nợ vay nước ngoài lớn và việc trả nợ trong điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu thu nhập của SBIC còn nhiều giới hạn.
Vậy phải làm thế nào để SBIC xử lý dứt điểm được các món nợ này? Ông Thịnh thẳng thắn cho rằng, điều này rất khó. Bởi ngay cả bây giờ nếu các công ty con của SBIC có thể cổ phần hóa hay bán lại được thì các cổ đông, doanh nghiệp hay cá nhân mua lại các công ty này phải chấp việc sẽ phải gánh cả các khoản lỗ lẫn các khoản vay nợ phải trả hiện nay.
Do đó, hoặc Nhà nước phải chấp nhận mất một phần vốn để thực hiện cổ phần hóa cũng như tái cấu trúc cho doanh nghiệp này. Có một điều đáng quan tâm là trước khi cổ phần hóa thì xử lý nợ như thế nào cho hợp lý. Chúng ta có thể bán lại cho doanh nghiệp nào đó đứng ra mua trong đó sẽ có cả vốn và các khoản nợ nên có thể bán cả các khoản nợ. Hoặc Nhà nước sẽ đứng ra “cáng đáng” để giảm bớt một phần các khoản nợ đến mức phù hợp để các doanh nghiệp có thể đứng ra mua lại được các công ty con đang thua lỗ của SBIC. Bởi nếu với mức độ nợ như hiện nay việc bán các doanh nghiệp này cho các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và cổ phần hóa nói chung sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.