Sau bê bối về lụa tàu, ông chủ tập đoàn tơ lụa Khaisilk đã rơi vào khó khăn do toàn bộ cửa hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa để phục vụ điều tra.
Ông Hoàng Khải cũng không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức. Cũng bắt đầu từ đây, tập đoàn tơ lụa Khaisilk cũng rơi vào khó khăn và đầy biến động. Giữa tháng 12 vừa qua đã phải bán hai toà lâu đài có tên TajmaSago và Cham Charm trị giá 30 triệu USD cho nữ đại gia 9x Đặng Thị Bảo Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Chloe Hospitality.
Liên quan đến vấn đề này, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Không chế ngự được lòng tham
Thưa ông, vệc ông Hoàng Khải xây dựng thương hiệu 30 năm và chỉ một năm sau khi dính bê bối lụa tàu đã bị phá sản, điều đó nói lên điều gì?
Như chúng ta thấy, làm kinh doanh thành công hay thất bại là chuyện thường tình nhưng mà để xây dựng một cơ ngơi khoảng 30 năm như Hoàng Khải để rồi đánh mất chỉ trong một khoảnh khắc là điều rất đáng tiếc.
Để xây dựng được một cơ nghiệp rất là khó khăn vì phải đổ nhiều mồ hôi công sức, sự tâm huyết. Xây dựng cơ ngơi đã khó nhưng làm sao để duy trì cơ ngơi đó và phát triển nó lại càng khó khăn hơn. một cơ ngơi được gây dựng mấy chục năm nhưng lại tan thành bọt xà phòng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, cần phải suy ngẫm. Vấn đề không chỉ nằm trong câu chuyện thương hiệu của Khaisilk mà của rất nhiều doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tại sao tôi lại nói như vậy?
Trong bối cảnh kinh tế đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc tạo cho doanh nhân, doanh nghiệp cơ hội phát triển nó còn có không ít những điểm xám, điểm mờ. Chỉ cần sơ sẩy, người kinh doanh có thể bước qua điểm xám đó ngay lập tức.
Xây dựng cơ ngơi là khó khăn nhưng việc đánh đổ cơ ngơi rất dễ dàng, ai cũng hiểu điều đó nhưng nhiều khi là do lòng tham.
Chúng ta không phê phán ông Hoàng Khải hay bất kỳ ai là tham nhưng bản chất của con người ta là tham. Nhưng lòng tham phải tùy bối cảnh và nếu không biết chừng mực, có giới hạn thì chúng ta sẽ phải trả giá.
Chúng ta nhìn câu chuyện Hoàng Khải để thấy rằng, chỉ vì không chế ngự được lòng tham để rồi sa chân vào điểm xám trong nền kinh tế thị trường đó. Cuối cùng toàn bộ cơ ngơi, tài sản lần lượt rơi vào tay kẻ khác. Đó là cái giá phải trả cho cơ nghiệp 30 năm gây dựng.
Từ câu chuyện của Hoàng Khải, nếu chúng ta nhìn rộng ra giới doanh nhân thì vẫn thấy tình trạng mua gian bán lận còn rất phổ biến trong xã hội. Thực lòng mà nói, nhìn đâu cũng thấy tình trạng gian lận trong kinh doanh nhưng nó nhỏ quá nên người ta không để ý đến. Hoặc đó là vấn đề bình thường trong một xã hội. Cũng có thể vấn đề gian lận kinh doanh chưa được phanh phui ra để đẩy nó lên thành một vấn đề cao trào như câu chuyện của Khaisilk.
Những người làm ăn như thế thì phải nhìn vào câu chuyện của Hoàng Khải lấy đó làm bài học thấm thía cho mình để điều chỉnh lại thái độ kinh doanh của mình. Nếu không thì không vững bền.
Trong làm ăn kinh doanh thường có những sự cám dỗ, thấy sự kiếm tiền quá dễ dàng, nếu lao vào và không nhìn thấy điểm dừng thì nó sẽ là một điều vô cùng tai hại.
Vậy theo ông, bê bối lụa tàu của Khaisilk phải trả giá như thế có quá đắt không?
Để trả lời được câu hỏi này, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn sâu xa hơn vào bản chất của sự việc. Câu hỏi đặt ra, cơ nghiệp mà ông ta đã có được có phải được tạo dựng ra dựa trên tài năng hay không lại là vấn đề?
Nếu cơ nghiệp Khaisilk xây dựng bằng mồ hôi nước mắt thực sự nhưng chỉ vì một tai nạn nào đó mà tan như bọt xà phòng thì rất đáng tiếc. Nhưng nếu cơ nghiệp đó dựa trên sự gian lận, dựa trên lòng tham không có kiểm soát thì của thiên trả địa. Vấn đề này không chỉ đúng cho một trường hợp cụ thể trường hợp nào mà đúng trong mọi trường hợp.
Anh có tự hào về khối tài sản mình gây dựng hay không hay bây giờ anh đang phải trả giá cho một cái gì đó được tạo dựng không dựa trên mồ hôi, công sức và nước mắt của anh? Nếu thực sự không phải là mồ hôi và nước mắt thì ông Hoàng Khải vẫn hời, vì không bỏ cái gì ra cả, không hề phải trả giá gì cả. Hư vô thì phải trả về hư vô. Người trả lời tốt nhất cho câu hỏi này chính là ông Hoàng Khải.
Nhưng mà tôi tin là những người tạo dựng cơ nghiệp bằng mồ hôi nước mắt sẽ không dễ dàng đánh đổi nó một cách chóng vánh.
Từ câu chuyện đó mới thấy được lớp doanh nhân của chúng ta có những người giàu lên từ sự tài năng thực sự và họ đáng được trân trọng, ngưỡng mộ. Nhưng cũng có những người tận dụng được sự mù mờ trong quá trình chuyển đổi kinh tế họ giàu lên. Tất nhiên, trong đó cũng có một phần tài năng vì họ biết tận dụng những cơ hội mà nhiều người khác không làm được.
Ngoài ra, chúng ta phải xét xem họ đóng góp ròng cho xã hội như thế nào? Nếu họ lấy đi của xã hội một nhưng đóng góp lại cho xã hội 5 hay 20 thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe với những người như thế. Ngược lại, họ lấy của xã hội 20 và bỏ túi hết thì những người giàu đó lại làm tổn thất cho xã hội quá lớn. Những con người như thế không thể được vinh danh.
Nhiều doanh nghiệp trả giá vì gian lận trong kinh doanh
Trên thế giới đã có trường hợp nào làm ăn gian dối và đi tới phá sản như trường hợp của Tập đoàn Khaisilk chưa thưa ông?
Với trường hợp của Khải silk thì tôi không chắc nhưng gian lận trong kinh doanh thì có rất nhiều câu chuyện. Gần đây nhất một vụ gian lận của tập đoàn ô tô Đức Volkswagen. Họ gian lận bằng cách cài phần mềm thể hiện sai thông số phác thải và những chiếc xe được cài phần mềm này sẽ có nhưng thông số thể hiện rằng đạt chuẩn môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế phác thải ra bên ngoài lại vượt chuẩn cho phép.
Khi bê bối bị phanh phui, cổ phiếu của Volkswagen liên tục lao dốc. Hơn 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của họ đã bị ‘thổi bay’ chỉ sau 2 ngày. Bản thân CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức và bị tiến hành điều tra hình sự, còn tập đoàn này vẫn đang bị điều tra bởi cơ quan chức năng ở nhiều nước. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse ước tính tổng thiệt hại mà Volkswagen phải hứng chịu có thể lên đến 87 tỷ USD.
Đó là một tập đoàn lớn, tại một đất nước mà theo tôi thấy vấn đề gian lận là điều tối kỵ trong kinh doanh nhưng họ vẫn vi phạm. Thậm chí, vi phạm này còn mang tính hệ thống chứ không phải chỉ một cá nhân đơn lẻ.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 20/12/2018
09:43, 09/01/2018
06:43, 17/12/2017
10:49, 16/12/2017
06:59, 16/12/2017
19:35, 15/12/2017
16:46, 15/12/2017
16:40, 15/12/2017
Một trường họp điển hình khác đó là WorldCom, một trong những công ty viễn thông đường dài lớn thứ 2 tại Mỹ. WorldCom đã có những bước phát triển thần tốc, chủ yếu thông qua các thương vụ thôn tính những công ty viễn thông khác để mở rộng quy mô. Trong những năm 1990, doanh nghiệp này đã thực hiện khoảng 60 vụ mua lại, có đến 80.000 lao động và đạt giá trị thị trường tới 180 tỷ USD.
Tuy vậy, đến đầu thế kỷ 21, khi viễn thông ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, WorldCom lâm vào nợ nần sau những vụ vung tay thôn tính, mua lại. CEO Bernard Ebbers đã dùng những biện pháp mở ám để gian lận kế toán, che giấu tình trạng tài chính suy yếu, giả mạo tăng trưởng để nâng giá cổ phiếu. Năm 2005, công ty tuyên bố phá sản sau khi tòa án New York xác nhận ông Ebbers gian lận sổ sách số tiền lên đến 1 tỷ USD và bị phạt 25 năm tù. Đây là trường hợp phá sản lớn nhất ở Mỹ cho đến thời điểm đó.
Chỉ với 2 trường hợp kể trên có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác việc duy trì đạo đức kinh doanh là vấn đề không hề dễ dàng.
Vẩn đục môi trường kinh doanh
Vậy những tình trạng gian lận theo kiểu Khaisilk (lấy hàng Trung đội lốt hàng Việt) sẽ tác động như thế nào tới môi trường đầu tư tại Việt Nam?
Hiện nay tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nam cũng hết sức phổ biến, thậm chí còn nhan nhản. Như việc nông sản Trung Quộc đội lốt hàng nông sản Đà Lạt mới đây là một ví dụ điển hình. Nghe nói Thủ tướng cũng đã chỉ đạo điều tra xem xét việc này.
Thực tế, có trường hợp giới thương nhân Trung Quốc họ tuồn hàng của họ vào đội lốt hàng Việt nhưng cũng có người Việt hợp tác với người Trung Quốc hay bản thân người Việt họ thấy được lợi ích từ việc như thế họ đội lốt hàng Trung Quốc.
Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, khả năng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra và nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này.
Việc này không chỉ gây nguy cơ rằng niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mà nhìn sâu xa hơn khi hàng Trung Quốc đôi lốt hàng Việt xuất khẩu để tránh chính sách Thuế của Mỹ có thể Việt Nam sẽ trở thành đối tượng tiếp theo trong danh sách áp thuế của Mỹ.
Cái nguy hiểm không kém là làm vẩn đục môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thế giới họ nhìn thấy Việt Nam là môi trường kinh doanh quá gian lận và nó sẽ tạo ra một cái tác động lây lan cho những doanh nhân, doanh nghiệp chân chính.
Ngoài ra, nhìn vào câu chuyện của Khaisilk, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao Khaisilk không bị phanh phui sớm?. Vai trò của cơ quan nhà nước ở đâu? Chúng ta có cục quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường, trách nhiệm của họ ở đâu?
Chúng ta đang thiếu một thiết chế để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng một cách hợp pháp. Tránh tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ bởi nó đổi trắng thay đen, đen thành trắng.
Chúng ta phải làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Văn hóa kinh doanh cũng là một môi trường kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề giấy phép, gia nhập thị trường…. Khi nói đến Việt Nam phải nói đến môi trường văn hóa, một tinh thần văn minh thật sự chứ không phải nói đến Việt Nam trong suy nghĩ của nhà đầu tư đó là mua gian, bán lận hay đánh tráo sản phẩm…
“Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”
Đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Làm kinh doanh phải giữ chứ tín. Ông bà mình đã nói rồi “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” nên chữ tín trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Ai chưa học thuộc lòng chữ tín thì đừng làm kinh doanh vì nếu không cơ nghiệp cũng sẽ tan như bọt xà phòng
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp muốn đứng được trong một môi trường vốn rộng lớn nhưng rất khắt khe đó là anh phải có giá trị cốt lõi
Doanh nghiệp phải định vị mình, giá trị cốt lõi của mình là cái gì, ở đâu. Khi định vị được giá trị cốt lõi doanh nghiệp phải theo đuổi nó, vun đắp nó không ngững tạo giá trị mới có ích cho khách hàng
Nếu làm ăn theo kiểu chộp giật, nhìn lợi ích trước mắt mà không quan tâm lợi ích lâu dài, nhìn lợi ích của bản thân mà không quan tâm tới lợi ích xã hội thì không sớm thì muộn cũng phải trả giá. Thậm chí còn mang tiếng xấu cho cá nhân, gia đình và người thân.
Sự trả giá nó lớn như thế!
Xin cảm ơn ông!