Một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là kiên quyết rà soát, xử lý đối với các dự án bất động sản bỏ hoang.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, sau khi tổng hợp từ các quận, huyện trên toàn thành phố, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã phát hiện 383 dự án vi phạm. Trong đó, những quận, huyện có số dự án chậm triển khai, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…

Điều đáng nói, nhiều dự án sau cả chục năm vẫn trong tình trạng “án binh bất động”, để lại nhiều hệ lụy tới sự phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh.

HÀNG LOẠT DỰ ÁN "NGỦ QUÊN"

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt là một ví dụ. Được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 4930 năm 2004, thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, tạm giao cho Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi (Bộ Xây dựng) tổ chức điều tra lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngày 17.9.2007, tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND, Dự án được UBND TP chấp thuận giao Tổng công ty Licogi làm chủ đầu tư thực hiện. Quyết định giao đất này do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký. Nội dung Quyết định số 3649, UBND TP chỉ đạo: “Sau 12 tháng kể từ khi chưa bàn giao đất ngoài thực địa, nếu Tổng công ty Licogi chưa đưa đất vào sử dụng đúng mục đích quy định tại Điều 1 và Điều 2 quyết định này hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư đã được phê duyệt thì Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TP quyết định thu hồi đã giao”.

Thế nhưng, trong suốt 15 năm (2004-2019), Tổng công ty Ligico vẫn để dự án dậm châm tại chỗ, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng trăm hộ dân sống trong quy hoạch dự án.  

Chia sẻ cùng phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nga – hộ dân sinh sống tại tổ 42, Giáp Tứ, Thịnh Liệt cho biết, theo kế hoạch ban đầu và chủ trương của Nhà nước, việc triển khai dự án sẽ nâng cao đời sống an sinh xã hội tại khu vực. Như vậy có nghĩa người dân nơi đây sẽ có cơ hội sống tốt hơn, tuy nhiên đến thời điểm này sau hơn 15 năm vẫn chưa có sự thay đổi.
“Hơn 15 năm nay chính quyền khu vực đã nhiều lần thông báo về việc đền bù giải tỏa cho các hộ dân thuộc địa phận dự án Khu đô thị Thịnh Liệt nhưng chưa lần nào cung cấp cho chúng tôi biết con số cụ thể về việc giải tỏa tại dự án này nên chúng tôi chưa biết tin vào nguồn thông tin nào. Chưa kể từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đến nay, dự án treo khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi dự án bị ảnh hưởng như: Không được nhập hộ khẩu về phường, trẻ em phải học trái tuyến..." - bà Nga cho biết.
Sự việc diễn ra trong thời gian dài, chưa biết khi nào đời sống an sinh xã hội của các hộ dân được nâng cao, nhưng đã 15 năm nay cuộc sống của họ đã và đang được ví như những "người rừng". Bởi khó ai có thể tin, giữa Thủ đô mà đường điện, đường nước sinh hoạt, hệ thống cấp thoát nước cũng như đường xá đi lại đều trong tình trạng tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng.

Tương tự, tại dự án Khu đô thị làng Việt cổ xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được phê duyệt từ rất lâu (năm 2008). Tổng diện tích đất thu hồi của dự án này là 23,4 ha (đất nông nghiệp) dự án do Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại HSTC làm chủ đầu tư. Thế nhưng 10 năm đã trôi qua, dự án này vẫn im lìm ngủ quên. Đến nay, tại nơi quy hoạch để thực hiện dự án Khu đô thị làng Việt cổ, xã La Phù  không hề có bảng thông tin công bố quy hoạch dự án mà vẫn là cánh đồng lúa, hoa màu tươi tốt.

Một người dân thôn Đoàn Kết, có ruộng nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Khu đô thị làng Việt cổ cho biết: “Chúng tôi nghe nói có dự án từ rất lâu rồi, nhưng mãi cũng chưa thấy gì. Khu vực ruộng trong dự án chưa thu hồi, người dân cũng chỉ canh tác tạm, không dám đầu tư gì vì không biết lúc nào dự án làm”.

Theo người dân địa phương, năm 2017, tức là 10 năm sau khi dự án được phê duyệt, phía chủ đầu tư mới liên hệ với UBND xã La Phù làm công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng chỉ được vài buổi làm việc với chính quyền cơ sở, phía chủ đầu tư lại “bặt vô âm tín”.

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, dự án Khu đô thị làng Việt cổ vẫn chỉ nằm trên giấy, trong thời gian dài chưa nhận được thông báo về việc thu hồi giải phóng mặt bằng của dự án. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực đất thu hồi giải phóng mặt bằng vẫn được thực hiện.

“Hiện người dân canh tác trên diện tích đất trong kế hoạch thu hồi của dự án và không biết khi nào dự án thu hồi, khiến việc đầu tư sản xuất của người dân luôn bị động. Bên cạnh đó, do là khu vực đất quy hoạch giải phóng mặt bằng nên việc đầu tư về thủy lợi cho sản xuất lâu nay cũng không được thực hiện, điều này khiến việc sản xuất của bà con gặp khó khăn” – ông Khoa cho biết.

TRĂM NGÀN LÝ DO... "TREO"

Có hàng trăm nguyên nhân được các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý cho biết dẫn đến các dự án chậm triển khai như thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, nợ nghĩa vụ tài chính hoặc tự ý chuyển nhượng dự án, cố ý giữ đất không thực hiện để đầu cơ; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô,…

Nguyên nhân là vậy, nhưng theo pháp luật Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định rõ: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Hết thời gian gia hạn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi”.

Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, có rất nhiều dự án bị chậm chục năm, thậm chí có dự án “treo” tới 20 – 30 năm.

Trước thực trạng trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhấn mạnh việc cần rà soát sớm và chặt chẽ các dự án khu đô thị.

Theo ông Nghiêm, trước khi Hà Nội mở rộng địa giới, Hà Nội cũ đang có hơn 200 dự án KĐT. Sau khi mở rộng, toàn thành phố có tới 700 dự án, tuy nhiên khi rà soát thì chỉ có khoảng hơn 200 dự án đủ điều kiện triển khai, còn lại sẽ phải dừng để điều chỉnh theo quy hoạch của phân khu mới, sẽ bao gồm điều chỉnh ranh giới, điều chỉnh chức năng và điều chỉnh quy mô dự án.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu không rà soát sớm sẽ có những khó khăn bởi trong thời gian tới khi Luật quy hoạch mới được áp dụng, trong đó có nhiều Luật khác liên quan sửa đổi theo, lúc này các dự án sẽ lại tiếp tục trong cảnh chờ đợi vì tiếp tục vướng mắc trước các luật sửa đổi.

Các chuyên gia cảnh báo việc thu hồi chậm trễ ngày nào, Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Chính vì vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Hơn nữa, phải cương quyết thu hồi mới có thể phát hiện được tiêu cực trong quá trình giao đất trước đây.

Ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

DỨT KHOÁT THU HỒI DỰ ÁN "TREO"

Để tránh tình trạng dự án treo như hiện nay, ông Tùng cũng cho rằng, Nhà nước nên xem xét việc đánh thuế với mức thuế suất cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Làm như vậy, Nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang, mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng khu đất vừa thu hồi từ doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu UBND Thành phố thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo đúng pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Sẽ không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Về phía HĐND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND Thành phố tăng cường công tác giám sát đầu tư; rà soát, thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn mà không đủ điều kiện được xem xét gia hạn; không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Bộ trương

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã khẳng định dứt khoát thu hồi dự án treo

Nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Khi đề cập đến các dự án treo trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng, dứt khoát thu hồi, tránh lãng phí nguồn lực.