Chỉ còn hơn 30 ngày nữa dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 (Ninh Thuận) sẽ chính thức đi vào vận hành, nhanh hơn một tháng so với tiến độ đề ra. Những ngày này, bằng sự nỗ lực, tập trung cao độ của ban lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) một lần nữa đánh dấu năng lực và thương hiệu của CPMB trên khắp mọi miền.

Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện dự án.

  • Thưa ông, dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1 (Ninh Thuận) đang trong giai đoạn nước rút, mong ông cho biết ý nghĩa quan trọng của dự án này đối với ngành điện nói chung và CPMB nói riêng.

Cụm các dự án lưới điện đồng bộ NMNĐ BOT Vân Phong 1 có vai trò truyền tải toàn bộ công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 - 1200MW vào hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam.

Đây là cụm dự án có ý nghĩa quan trọng và cấp bách đối với ngành điện nói chung và CPMB nói riêng. Ngoài mục tiêu giải tỏa công suất nhà máy, cụm dự án này cần thiết phải được triển khai khẩn trương với mốc tiến độ hoàn thành vào cuối tháng 12/2022, đồng bộ với tiến độ tổ máy 1 của NMNĐ BOT Vân Phong 1, theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam, EVN và chủ đầu tư nhà máy. Nếu không đáp ứng tiến độ cụm dự án theo cam kết hợp đồng BOT, sẽ phát sinh việc bồi thường rất lớn về tài chính của Việt Nam cho Chủ đầu tư nhà máy.

  • Được biết, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã gặp rất nhiều khó khăn, vậy những khó khăn đó là gì, thưa ông?

Trong cụm các dự án lưới điện đồng bộ NMNĐ BOT Vân Phong 1, đóng vai trò chính là ĐZ 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân (đoạn Vân Phong – Thuận Nam). Đây là dự án Năng lượng nhóm A, cấp đặc biệt, dài khoảng 158km, đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Khó khăn thứ nhất kể đến là thời gian thực hiện dự án gấp rút với thời điểm hoàn thành được xác định cuối thành 12/2022.

Trước đó, dự án được Ủy ban quản lý vốn nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/7/2019, EVN phê duyệt dự án đầu tư ngày 3/8/2020, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phê duyệt thiết kế kỹ thuật ngày 31/12/2020.

Ngay từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, CPMB đã lên kế hoạch chi tiết theo tiến độ lùi để có thể đáp ứng các mốc tiến độ theo quỹ thời gian đề ra khoảng 18 tháng.

Cụ thể, công trình chính thức khởi công ngày 20/07/2021 và nếu đúng dự kiến hoàn thành sẽ vào cuối tháng 12/2022 (khoảng 17 tháng).

Do đó, tổng thời gian từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành đóng điện là khoảng 42 tháng (3,5 năm). So với các dự án 500kV nhóm A thông thường với quy mô tương tự thì dự án này được thực hiện trong thời gian nhanh nhất và “kỷ lục”.

Khó khăn thứ hai là dự án đang thực hiện trong thời điểm có nhiều thay đổi về chính sách pháp luật liên quan đầu tư xây dựng, môi trường, đất đai.... nên cả hệ thống kỹ thuật, hành chính đều yêu cầu tập trung cao độ, thực hiện và tuân thủ nghiêm minh các quy định chung của hệ thống pháp luật nhà nước nói chung và ngành điện nói riêng.

Khó khắn thứ ba là dự án thực hiện trong thời điểm các đợt dịch Covid-19 xuất hiện trên cả nước, bắt đầu từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021, nhiều thời điểm diễn biến căng thẳng, quy định về cách ly – di chuyển rất nghiêm ngặt gây khó khăn cho công tác khảo sát, thiết kế thỏa thuận thủ tục pháp lý (trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư), mua sắm hàng hóa, thủ tục giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng, làm kéo dài thời gian tất các công việc hơn bình thường…

  • Thực tế cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án truyền tải điện hiện nay đang là một “vấn đề lớn”, vậy để thực hiện thành công các dự án điện mà cụ thể là dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, kinh nghiệm được CPMB đưa ra là gì, thưa ông?

Với tính chất cấp bách của dự án, CPMB đã thường xuyên báo cáo Ban chỉ đao quốc gia về phát triển Điện lực, UBND các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các Sở ngành và chính quyền địa phương cấp xã để chỉ đạo giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường GPMB ngay từ giai đoạn triển khai dự án.

Vì các dự án truyền tải điện thường triển khai tại các vùng sâu, vùng xa nên liên đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, BQL dự án thường xuyên đôn đốc UBND các tỉnh đẩy nhanh hoàn thành thủ tục hồ sơ xin chủ trương trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh.

Với sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ ngành liên quan, trong vòng 90 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận thủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ban hành các QĐ liên quan để chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho dự án, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thuận lợi.

Đối với công tác bồi thường GPMB, nhận thức rất rõ tầm quan trọng của dự án để giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo của trên địa bàn tỉnh, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có nhiều cuộc họp với các bên liên quan để bàn biện pháp tháo gỡ các vướng mắc khó khăn khi thực hiện, cũng như thúc đẩy công tác bàn giao mặt bằng thi công dư án. 

Từ đó, nhiều chủ trương chính sách liên quan đến công tác GPMB đã  được các tỉnh xem xét đưa ra thảo luận và tháo gỡ kịp thời như mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang, hỗ trợ các vị trí qua hồ nuôi trồng thủy sản, nhà nuôi yến, nhà máy gạch không nung… Tạo tiền đề để UBND các huyện thị xã có cơ sở để đẩy nhanh công tác phê duyệt chi trả tiền bàn giao mặt bằng.

Song song với quá trình lập thủ tục hồ sơ phương án bồi thường và do tính cấp bách của dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương áp giá sơ bộ giá trị đền bù của các hộ dân để cùng phối hợp với UBND xã, CPMB, đơn vị thi công làm việc, vận động các hộ dân nhận tiền tạm ứng để bàn giao mặt bằng thi công. Sau khi phương án bồi thường được phê duyệt thì sẽ chi trả tiền cho các hộ dân theo đúng quy định.

 Do đó, tính đến tháng 12/2021, việc kê kiểm, lập hồ sơ phương án bồi thường đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo việc thi công được thuận lợi và đến nay đã bàn giao toàn bộ măt bằng vị trí móng và khoảng 90% hành lang tuyến. Trong giai đoạn thi công nước rút hiện nay, chính quyền địa phương các cấp sẽ hỗ trợ nhà thầu giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác kéo rãi căng dây.

  • Tính đến thời điểm hiện tại, dự án chỉ còn khoảng 60 ngày sẽ hoàn thiện và bàn giao các hạng mục cuối cùng, ông có thể cho biết những hạng mục đó là gì và tiến độ hiện nay ra sao?

Các dự án Cụm BOT Vân Phong 1 đang trên đường về đích, hiện nay Ban điều hành dự án đang tập trung mọi nguồn lực và tập trung cao độ, làm việc gần như không có ngày nghỉ và thường phải tăng ca trong ngày, chúng tôi kêu gọi tình thần và tạo mọi động lực để các đơn vị thi công tập trung tối đa mọi nguồn lực và tăng ca sản xuất.

Đến nay, tiến độ thực hiện dự án đang trong tầm kiểm soát chặt chẽ, cụ thể, đối với TBA 500kV Vân Phong và đấu nối đang trong giai đoạn hoàn thiện mặt bằng và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị, mục tiêu đóng điện dự án vào ngày 25/11/2022 (vượt 1 tháng so với mục tiêu đề ra, đồng hồ đếm ngược sẽ dừng ở con số 30 ngày).

Theo đó, đường dây 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân và ĐZ 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào ĐZ 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân đang trong giai đoạn kéo dây (hoàn thành 50%, đang hoàn thiện 33% và chuẩn bị triển khai tiếp 17% còn lại), hiện các Đơn vị thi công dàng hàng ngang (triển khai thi công với hệ số đồng thời cao) để triển khai thi công (do một số VTTB về chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ chung) với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 25/12/2022 (đảm bảo mục tiêu tiến đồ đề ra).

  • Với kinh nghiệm quản lý đầu tư xây dựng hàng chục dự án cấp lưới điện 500kV trọng điểm Quốc gia, mong ông chia sẻ kinh nghiệm quản lý và điều hành những dự án trên?

Công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án bao gồm nhiều khâu, nhiều giai đoạn xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, do đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án liên quan đến nhiều chủ thể.

Liên quan đến các dự án lưới điện 500kV trọng điểm Quốc gia, tôi và tập thể CPMB luôn tập trung cao độ, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý nhằm đáp ứng tiêu chuẩn do chủ đầu tư đề ra.

Với các dự án truyền tải điện quốc gia, liên quan đến công tác bồi thường GPMB, thu xếp vốn… do đặc thù công tác quản lý điều hành các dự án lưới điện trải dài qua nhiều địa phương, chúng tôi thường xuyên rà soát, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế để đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp như chú trọng công tác kiểm soát nâng cao chất lượng hồ sơ tư vấn ngay từ khâu đầu tiên.

Kế đến, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng công tác khảo sát, thẩm tra, trình duyệt dự toán gói thầu, đặc biệt các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị.

Theo đó, công tác tăng cường kiểm tra phối hợp hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát có năng lực, kinh nghiệm thực hiện giám sát thường xuyên tại công trường được BQL dự án đặc biệt lưu tâm.

Đồng thời, tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác vận chuyển, bảo quản, kiểm tra vật tư thiết bị của Nhà thầu tại công trường trước khi đưa vào lắp đặt.

Song song với các công tác kỹ thuật, chúng tôi thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành dự án để có giải pháp nâng cao hơn nữa cho các dự án sau...

  • Cụm các dự án lưới điện đấu nối NMNĐ BOT Vân Phong 1 là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia được CPMB thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên. Với vai trò là người lãnh đạo và là người chịu trách nhiệm chính, ông có những trăn trở gì khi đảm nhận dự án?

Có thể nói, đây là cụm dự án mà chúng tôi đang tập trung cao độ, bám sát công trường, bám sát tiến độ để vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó vì cụm dự án này có tầm quan trọng không chỉ riêng với ngành điện mà còn cho cả nền kinh tế đất nước.

Việc giải tỏa kịp công suất của NMNĐ BOT Vân Phong 1 sẽ đảm bảo cung cấp một phần nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2023 trở về sau.

Với dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1, nếu chậm hòa vào hệ thống điện Quốc gia thì mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) cho 03 tháng chậm đầu tiên và 3 tháng chậm tiếp theo mỗi ngày bồi thường 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ đồng).

Từ đó có thể hình dung, nếu cụm các dự án lưới điện này chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phải bồi thường lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy BOT Vân Phong bằng với giá trị Tổng mức đầu tư được duyệt.

Khi đảm nhận Cụm dự án, chúng tôi rất trăn trở nhiều khi khó khăn bủa vây như thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng kéo dài (44 tháng duyệt chủ trương đầu tư);

Kế đến, công tác bồi thường GPMB hiện nay gặp nhiều khó khăn do tiến độ gấp rút. Do đó, CPMB phải phối hợp các đơn vị để tổ chức phương án bảo vệ thi công; và việc đảm bảo tiến độ trong điều kiện thời tiết phức tạp (thời tiết mưa, bão lũ của Miền Trung) cũng khiến tiến độ dự án chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Đáng nói, những bất ổn xung đột giữa Nga và Ukraine kèm theo chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cung cấp thiết bị cho toàn dự án.

Tuy nhiên với quyết tâm cao độ nhất, CPMB đã kiểm soát tốt tiến độ thực hiện các cụm và toàn dự án.

  • Tiếp nối thành công của Cụm các dự án lưới điện đấu nối NMNĐ BOT Vân Phong 1, trong năm 2023, CPMB sẽ tiếp tục được giao quản lý đầu tư xây dựng những dự án trọng điểm nào, thưa ông?

 Dấu ấn CPMB đã được khẳng định qua nhiều công trình trọng điểm Quốc gia như đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 đã tạo nên hệ thống xương sống của Hệ thống điện Quốc gia. Các đường dây xuyên Quốc gia như mạch 220kV từ biên giới Trung Quốc đến Hà Giang là mạch 220kV Thanh Thủy-Hà Giang-Tuyên Quang, Tuyên Quang-Thái Nguyên và Đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn-Thái Nguyên (đóng điện tháng 4/2007); Đường dây 220kV Tuyên Quang-Bắc Cạn-Thái Nguyên (đóng điện tháng 6/2008) giải quyết kịp việc thiếu điện trong giai đoạn kinh tế đất nước phát triển nhanh. Các công trình cấp điện khẩn cấp cho miền Nam như Đường dây 500kV Pleiku –Mỹ Phước-Cầu Bông, ĐZ  220kV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long (đóng điện tháng 12/2012), Tuyến đường dây đấu nối lưới điện 220kV với Lào, các dự án đường dây giải tỏa công suất nguồn điện ở các nhà máy thủy điện Sông Tranh, A Vương, nhà máy điện Vũng Áng 1, Dự án ĐZ 500kV mạch 3 (gồm ĐZ 500kV Vũng Áng-Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi, Dốc Sỏi-Pleiku 2) nâng cao năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam……

Sau khi thực hiện Cụm dự án lưới điện đấu nối NMNĐ BOT Vân Phong 1, CPMB sẽ tiếp tục thực hiện các dự án Nhóm A khác để tăng cường khả năng truyền tải điện Quốc gia, như: Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa (2025); Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (2025); Đường dây 500kV Tua bin khí Dung Quất - Krông Buk (2028); Đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành (2028)…

  • Với mục tiêu tất cả vì dòng điện Quốc qua, thay mặt Ban Lãnh đạo, cán bộ và người lao động CPMB, ông có điều gì muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ ngành điện, đặc biệt là đội ngũ CBNLĐ đang làm việc và thi công các dự án điện trên cả nước?

Cuộc cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng trong tương lai, tôi tin tưởng rằng, thế hệ trẻ ngành điện sẽ ngày càng trưởng thành để học tập và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa số, văn hóa kinh doanh, văn hóa an toàn, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Thông qua việc thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa tổ chức sẽ tạo nền tảng bền vững, vì một mục tiêu chung: EVN -thắp sáng niềm tin.

  • Xin trân trọng cảm ơn ông!