Bất chấp đồ thị tăng trưởng doanh thu vẫn "đẹp như mơ", Lotte Mart vẫn "thua lỗ nặng" sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam.
Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Vietnam Shopping hay còn gọi là Lotte Mart) là công ty con của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc với hoạt động chính là điều hành 13 trung tâm thương mại Lotte tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu phát triển, Lotte Mart chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng cho 2 năm 2007 và 2008.
Từ năm 2009, tập đoàn này bắt đầu ghi nhận doanh thu hơn 600 tỷ đồng và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong suốt các năm sau đó. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2016, doanh thu Lotte Mart tăng cả nghìn tỷ mỗi năm, vượt mốc 5.000 tỷ đồng trong năm 2016, là năm thứ 10 tập đoàn này hiện diện ở Việt Nam.
Theo số liệu mới được công bố từ Lotte Shopping Hàn Quốc, doanh thu năm 2017 vừa qua của Lotte Mart tiếp tục tăng trưởng 12%, đạt hơn 5.700 tỷ đồng và đánh dấu 11 năm tăng trưởng liên tiếp.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng doanh thu, cũng trong suốt 11 năm vừa qua, Lotte Mart đều báo lỗ. Giai đoạn 2009-2011, mức lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy số lỗ giảm trong 2 năm 2012-2013 nhưng 4 năm từ 2014 đến nay, Lotte lại báo lỗ tiếp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Mức lỗ năm 2017 vừa qua khoảng 312 tỷ đồng.
Tổng cộng, sau 11 năm kinh doanh ở Việt Nam, Lotte Mart lỗ khoảng 117 tỷ won, tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng. Việc liên tục thua lỗ đã khiến quy mô vốn của Lotte Mart teo tóp. Cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 8.900 tỷ đồng.
Vì vậy, sau khi báo lỗ 312 tỷ đồng trong năm 2017, vốn chủ sở hữu của Lotte Mart hiện chỉ còn dưới 200 tỷ đồng và nợ phải trả gần 8.800 tỷ đồng, cao gấp 45 lần. Như vậy, nếu cứ duy trì đà thua lỗ trong năm 2018, Lotte Mart hoàn toàn có thể sẽ âm vốn trong thời gian tới.
Câu chuyện thua lỗ Lotte Mart gợi nhớ đến trường hợp của Metro Cash & Carry Việt Nam báo lỗ 12 năm với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng, chỉ có một năm 2010 là tập đoàn này có lãi ở Việt Nam với số tiền 173 tỷ đồng. Sau nhiều đợt thanh tra, cơ quan thuế của Việt Nam đã yêu cầu Metro Cash & Carry điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng...
Theo các chuyên gia, trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ mất vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… cho thấy có những dấu hiệu của việc chuyển giá, trốn thuế.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhiều công ty báo cáo lợi nhuận không cao nhưng vẫn bành trướng mở rộng thì đấy là dấu hiệu của trốn thuế.
“Chuyển giá bản chất là chạy thuế giữa các nước. Điểm bất công là chúng ta đã cung ứng hạ tầng và môi trường, kể cả điều kiện pháp lý để bảo vệ họ, nhưng họ lại không đóng thuế để trả các dịch vụ đó. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước đang phát triển như Việt Nam cần có sự chủ động và phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế để kiểm soát việc trốn tránh thuế”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.