Mặc dù hồi phục kết quả lợi nhuận trong quý 3/2020, nhưng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên đường về đích kế hoạch năm 2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, cổ phiếu LTG đóng cửa ở mức 26.800đ/cp.
LTG được biết đến là doanh nghiệp đầu ngành về thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất dùng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam với thị phần khoảng 20%, bên cạnh kinh doanh lúa gạo, bao bì, giống cây trồng. Tuy nhiên, 2020 là một năm khá trắc trở với LTG khi giá nông sản giảm, xâm nhập mặn và hạn hán hoành hành làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo báo cáo tài chính quý 3, LTG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.772 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 92 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần đạt đạt 3.972 tỷ đồng, tăng 63% và LNST đạt 205 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, LTG đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Hiện, gạo Thái Lan đang gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và lũ lụt, điều này sẽ ít nhiều tạo thuận lợi trong ngắn hạn cho các doanh nghiệp gạo như LTG. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đang là động lực cho LTG xuất khẩu gạo sang EU, khi EU là một trong những thị trường trọng điểm của LTG bên cạnh Philippines, Châu Phi và Trung Quốc.
Theo thông tin từ Ban lãnh đạo doanh nghiệp này, LTG đang tiến hành tái cấu trúc lại mảng nông nghiệp, liên kết vùng nguyên liệu với nông dân,.. Điều này có thể giúp LTG quản lý được thời gian sinh trưởng, thậm chí biết chính xác cây trồng đang ở giai đoạn nào nên dùng thuốc gì?. LTG có thể tận dụng thế mạnh nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao nguồn cung giống cây trồng để đẩy mạnh mảng nông nghiệp.
Ngoài ra, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được LTG đẩy mạnh vào thực tiễn như: QR code xuất xứ thể hiện đặc tính gạo; Vận hành máy bay không người lái (Drone) phun thuốc trừ sâu hại lúa trên diện rộng; Ứng dụng App Bác sĩ cây ăn quả hỗ trợ nông dân cùng nhiều ứng dụng công nghệ khác.
Các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao này sẽ là hướng đi thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của LTG. Đồng thời kỳ vọng sự phục hồi mạnh hoạt động kinh doanh sau giai đoạn 2020 khó khăn do dịch bệnh với doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật và gạo.
Mặc dù LTG hồi phục mạnh về lợi nhuận trong quý 3/2020, nhưng Công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức do quý I lỗ 36,96 tỷ đồng và quý II suy giảm lợi nhuận 22,3% so với cùng kỳ.
So kết quả thực hiện trong 9 tháng với kế hoạch 7.352 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2020 thì khả năng về đích của LTG gặp thách thức khá lớn. Công ty có thể đối mặt với tình trạng suy giảm doanh thu, lợi nhuận năm thứ hai liên tiếp.
So kết quả thực hiện trong 9 tháng với kế hoạch 7.352 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2020 thì khả năng về đích của LTG gặp thách thức khá lớn
Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, LTG chịu rủi ro chiếm dụng vốn cao từ các đại lý thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, giá trị tồn kho là 2.839,4 tỷ đồng là khoản mục lớn nhất, chiếm 46,3% tổng tài sản, tăng 13,4% so với đầu năm nay. Bên cạnh đó, tỷ trọng phải thu trên doanh thu của LTG ở mức trên 25% trong giai đoạn 2017 – 2019, khiến công ty phải chịu áp lực chiếm dụng vốn cao và có nguy cơ thất thoát tài sản, thường xuyên phải lập dự phòng phải thu khó đòi.
Mặc dù rất tích cực tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng dường như LTG vẫn chưa tạo được sự tin tưởng với nhà đầu tư về việc tiến tới chấm dứt sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền trên thị trường vẫn còn hạn chế đối với cổ phiếu LTG.
Trong khi đó, xu hướng cạnh tranh trong ngành đang ngày càng gay gắt, đặc biệt là các đối thủ nặng ký như Vinaseed, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Vinafood II,... Nhiều doanh nghiệp tung ra các chiến lược chiếm lĩnh thị trường bằng cách giảm giá thành sản phẩm, chấp nhận cho mua nợ hay thanh toán trả chậm để giữ khách.
Riêng mảng giống cây trồng và lúa gạo thường xuyên biến động giá theo điều tiết thị trường và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết cũng gây khó khăn cho LTG. Ngoài ra, LTG còn hướng đến phát triển gạo thương hiệu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc dẫn đến giá bán cao hơn thông thường nhưng kết quả thu về lại kém khả quan hơn các mặt hàng khác...
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Yuanta Việt Nam cho biết, ở mức giá hiện tại, LTG đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 8,4x (tương ứng EPS TTM là 3.033 VND), thấp hơn mức P/E TTM trung bình ngành là 19,4x. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, cổ phiếu LTG đóng cửa ở mức 26.800đ/cp.
"Đồ thị giá LTG hiện đã vượt khỏi mức kháng cự ngắn hạn 26.000đ/cp với khối lượng giao dịch tăng trong một vài phiên giao dịch gần đây. Như vậy, xu hướng tăng ngắn hạn có khả năng được tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng khi mua đuổi với cổ phiếu này", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm