Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài khiến các tỉnh miền Trung phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và của. Nhưng thật ra đâu mới là nguyên nhân chính: thiên tai hay nhân họa?
LTS: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi: trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, thiên tai, phải có cách làm chủ động, cố gắng huy động được nhiều nguồn lực và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.
Và rồi đây cơ quan chức năng sẽ phân tích đánh giá toàn bộ thảm họa thiên tai đã gây ra để có phương án cho tương lai. Nhưng trước mắt đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý, quy hoạch xây dựng và vận hành các công trình thủy điện cũng như các công trình dịch vụ, dân sinh trên rừng núi.
Như ta biết, rừng có tác dụng giữ đất, chống xói mòn cho đồi núi. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện đi liền với việc phá rừng, ngăn dòng chảy. Theo lẽ thường là trái với quy luật tự nhiên, gây ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.
Hiện tại nước ta có khoảng gần 400 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đang xây dựng và hoạt động. Nghĩa là hàng trăm nghìn ha rừng bị chặt phá, hàng chục vạn hộ dân phải di dời, ô nhiễm môi trường tăng lên, quần thể sinh vật, hệ sinh thái bị tác động nghiêm trọng… Bên cạnh đó, tại các tỉnh miền Trung đa phần là nhà máy thủy điện công suất nhỏ. Do đó mà khả năng chống lũ cho vùng hạ lưu là không có mà ngược lại mỗi lần xả lũ gây ngập nặng hơn.
Mặt khác, theo phân cấp công trình thủy điện có công suất nhỏ (dưới 30MW) do UBND các tỉnh cấp phép đầu tư. Nên việc quy hoạch, thiết kế, thẩm định, vận hành chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn đến chất lượng, số lượng nhà máy thủy điện chưa được bảo đảm khoa học, đồng bộ.
Song song với đó là công tác quản lý rừng với việc xây dựng nhà máy.
Thủy điện Rào Trăng 3 là nhà máy thứ 13 được cấp phép đầu tư xây dựng trong tổng quy hoạch là 21 của tỉnh Thừa Thiên Huế và là một 1 trong 4 nhà máy trên nhánh sông này. Con số quá dày đặc khiến cho đồi núi, sông ngòi bị đào bới đến “trơ xương”.
Từ năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên Huế.
Đồng thời các nhà khoa học cũng đã đề xuất đánh giá kỹ lưỡng tác động của các dự án thủy điện tại đây đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Nghiên cứu điều chỉnh giảm mức nước trước lũ ở các hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ của các công trình hồ chứa thủy điện…
Lợi ích to lớn của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta là không thể bàn cãi. Nhưng mặt trái việc xây thủy điện tràn lan cũng rất kinh hoàng. Thủy điện đã có rất nhiều và lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng khác như mặt trời, gió, than cũng ngày một tăng, dù vậy điện vẫn đang thiếu so với nhu cầu sử dụng, riêng trong năm 2020 tổng sản lượng phụ tải thiếu hụt khoảng 2,15 tỉ KWh. Giá bán hấp dẫn và sức tiêu thụ tốt như thế nên người ta lao vào làm thủy điện, để rồi hôm nay chuyện gì đến đã phải đến...
Các bộ, ngành hữu quan chối bỏ cáo buộc “lũ chồng lũ” ở miền Trung là do thủy điện. Bởi theo các cơ quan này, thủy điện còn có vai trò cắt lũ và giảm lũ; việc xả lũ để giữ cho hồ đập không vỡ đều tuân theo quy trình vận hành liên hồ chứa rất nghiêm ngặt và lưu lượng xả không được lớn hơn lưu lượng nước đổ về hồ... Lý thuyết là vậy còn thực tế thì sao? Thử hỏi trong lúc hạ du đang ngập sâu vì mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lại bị bão quần tả tơi mà các thủy điện vẫn xả lũ "đúng lưu lượng" mỗi ngày thì có phải đẩy người dân vào thế nguy khốn?
Câu hỏi này chắc phải chờ cơ quan chức năng trả lời!
Có thể bạn quan tâm
05:00, 22/10/2020
06:30, 21/10/2020
05:00, 20/10/2020
05:17, 19/10/2020
05:30, 17/10/2020
05:00, 17/10/2020
05:04, 16/10/2020