Mức giá mua điện mặt trời (ĐMT) vừa được ban hành rất khó thu hút đầu tư để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) thận thiện môi trường này.
Đây là chia sẻ của doanh nhân Việt kiều ông Nguyễn Hoài Bắc với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Bắc, Chính phủ cần có lựa chọn giữa điện sạch hay điện rẻ?
Là doanh nhân Việt kiều đã đầu tư tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên 90 trên nhiều lĩnh vực như may mặc, công nghệ cao, giáo dục đào tạo và tư vấn đầu tư cho các công ty nước ngoài. Ông Nguyễn Hoài Bắc vốn rất tâm huyết với lĩnh vực phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.
- Thưa ông, Quyết định 11/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ hết hiệu lực ngày 01/07/2019. Đến ngày 6/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 13/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, khoảng trống 9 tháng doanh nghiệp mong mỏi đợi chờ đã được giải quyết. Ông đánh giá thế nào về Quyết định này?
Để nói về chính sách vĩ mô và các quyết định cụ thể của Chính phủ khi được ban hành là cực kỳ quan trọng bởi nó là các văn bản pháp qui để chỉ đạo các cơ quan từ trung ương đến địa phương thực hiện. Các thành phần kinh tế trong xã hội có quan tâm và tham gia triển khai thực hiện.
Khoảng trống 9 tháng là rất dài và quá chậm so với nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Họ đã đầu tư và đang đầu tư nghĩa là đã bỏ tiền vào để thực hiện các bước theo qui định nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp giá điện thấp, thủ tục pháp lý thay đổi theo hướng khó khăn hơn và phức tạp hơn.
Nhà đầu tư sẽ đối diện với 2 vấn đề đặt ra: Dừng lại khi thấy đầu tư không có khả năng thu hồi vốn tự có và vốn vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác; Tiếp tục đầu tư thì phải thêm các thủ tục khác theo qui định mới và đàm phán với ngân hàng để thay đổi các điều khoản đã ký.
Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi về các qui định mới trong Quyết định 13/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 là thủ tục đấu thầu và giá điện thấp hơn giá cũ khoảng 30% (giá mới USD 7,09cent/kWh giá cũ là USD 9,35cent/kWh) theo luật đấu thầu thì nhà nước phải có đất sạch, có cơ sở hạ tầng và có hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi.
Các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận nối lưới đúng quy hoạch trước ngày 01/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được mua giá 9,35 UScents/kWh.
Hiện tại về tiêu chí này từ địa phương đến trung ương là con số 0, về giá 7,09cent/kWh là thấp nhất trong khu vực và thu hồi vốn kéo dài nên ngân hàng và các tổ chức tín dụng khó cho vay, hiện tại lãi suất cho vay khoảng 10%/năm. Từ những thực tế đã nêu khó khăn sẽ đến doanh nghiệp và hậu quả đầu tư kém (đối diện phá sản cao). Dẫn đến quyết định này mang tính khả thi không cao và không đi vào cuốc sống.
- Ông đánh giá thế nào về sự lệch pha giữa chính sách và thực tiễn trong phát triển NLTT và ĐMT?
Chúng ta bắt đầu sử dụng cụm từ NLTT gần đây, có rất nhiều nguồn để phát triển NLTT như: khí từ rác thải, bức xạ mặt trời, sức gió… nhưng chủ yếu vẫn là điện mặt trời và điện gió. Hơn 10 năm trước Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có Nghị quyết về việc này, mãi đến năm 2016 mới có Quyết định chính thức do Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực 2 năm và kết thúc vào ngày 01/7/2019.
Quyết định 11/QĐ-TTg hấp dẫn với các nhà đầu tư nhưng thời gian quá ngắn để triển khai thực hiện. Bởi vì, đây là những vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính và đường tuyền tải điện dẫn đến rất nhiều nhà đầu tư tưởng được hưởng lợi từ chính sách nhưng gặp bất cập về thủ tục và đường truyền tải. Hệ quả dẫn đến công suất nhà máy không được phát đủ mà phải giảm áp tới 40%-45%. Nhà đầu tư lỗ vốn, ngân hàng không thu được vốn gốc và lãi.
Mặc khác, Nghị quyết số: 55/NQ-TW ngày 2/4/2020 của Tổng bí thư - Chủ tịch nước ban hành. Đây là chỉ đạo các cấp từ trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý nội bộ của các cấp chính quyền. Nó không phải là văn bản cho các doanh nghiệp triển khai.
Để triển khai được các dự án đầu tư là trên cơ sở của Quyết định 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020. Sân chơi có, bình đẳng cũng có. Nhưng lợi ích của các thành phần tham gia cụ thể là: Nhà nước – Người tiêu thụ - Nhà đầu tư có hài hoà không là chuyện khác. Khi lợi ích chỉ cho 2 thành phần trên mà nhà đầu tư không có thì mặc nhiên họ không đầu tư và chính sách cũng chỉ trên giấy.
- Với góc nhìn của một doanh nghiệp, ông có đề xuất gì để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam giai đoạn hiện nay và tầm nhìn 2030?
Như chúng ta đã biết rằng 9 tháng các doanh nghiệp chờ đợi và có rất nhiều ý kiến gửi các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là cơ quan chủ quản Bộ Công Thương. Quan điểm của Bộ khác và quan điểm cũng như kiến nghị của doanh nghiệp khác nhau và đến nay cũng chưa thống nhất. Kể cả các bộ cũng chưa đồng thuận nhưng vẫn có Quyết định được ban hành bởi Bộ Công Thương chủ trì và soạn thảo trình Thủ tướng.
Do đó tôi xin đưa ra một số đề suất sau:
Thứ nhất, với nhà nước và cơ quan chủ quản luôn muốn giá thấp và có lợi cho người tiêu dùng. Với doanh nghiệp thì muốn giá cao để thu lãi nhiều tránh rủi ro. Cho nên mọi việc chỉ do giá cả chấp nhận được đối với hai bên. Giá như Bộ Công Thương trình và Thủ tướng đã ban hành quyết định chỉ cần đổi câu chữ là “giá trần” thành “giá sàn” để các doanh nghiệp tham gia đấu giá điện.
Thứ hai, Luật Đấu thầu chưa có điều kiện cần và đủ để thi hành thì không áp dụng. Khi nào nhà nước có, địa phương có thì tự động đấu giá sẽ hợp lý hơn.
Thứ ba, năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng ĐMT là ưu thế của Việt Nam và hiệu quả cao phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay và mãi sau. Nó thay thế cho các nguồn năng lượng gây hiệu ứng nhà kính, gây rác thải công nghiệp và ô nhiễm mội trường. Thì tại sao chúng ta lại lập ra quá nhiều rào cản để làm chậm lại sự phát triển của đất nước dẫn đến tiếp tục thiếu điện và tiếp tục sử dụng năng lượng bẩn. Trách nhiệm này thuộc về các cấp soạn thảo chính sách cần phải rà soát và thay đổi ngay.
Thứ tư, muốn sử dụng năng lượng sạch cũng như thực phẩm sạch mà chỉ thích rẻ là nghịch lý. Thế giới và doanh nghiệp đang cần năng lượng sạch và họ sẵn sàng trả cao hơn để bảo vệ môi trường. Tại sao Việt Nam không?
- Xin cảm ơn ông!
Ông Huỳnh Văn Tri, nhà đầu tư 2 dự án điện mặt trời nhỏ tại Kiên Giang:
Mức giá mới “ép” các nhà đầu tư tư nhân tiên phong trong đầu tư điện mặt trời. Bởi khi kêu gọi tư nhân tham gia, biểu giá ưu đãi cũ không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại thời điểm đó đã chi số tiền gấp rưỡi số tiền đầu tư hiện tại để làm điện mặt trời với vô vàn khó khăn khác. Ngoài việc chưa lấy lại vốn, từ ngày 1/7/2019 đến nay họ không thu được tiền điện mặt trờ bán vào lưới điện quốc gia do bảng giá mới chưa có. Với mức giá mới ban hành cao nhất là 8,38 cent/kWh cho điện áp mái cũng vẫn chưa thỏa đáng. Cơ quan điện lực đã tư vấn để đưa ra biểu giá mới này, vô tình tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhà nước “ép” doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư năng lượng.
TS Ông Nguyễn Duy Khiêm, Trường đại học Quy Nhơn:
Đầu tư điện mặt trời chắc chắn có lãi. Chi phí đầu tư thiết bị đầu vào của hệ thống điện mặt trời đang giảm dần. Một bộ inverter giá hiện nay trên thị trường đã giảm gần 10 triệu đồng so với chỉ cách đây 3 tháng và các công ty lắp đặt vẫn đang chào giá giảm xuống đối với tất cả các thiết bị. Đồng thời, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cùng diện tích một tấm pin, cách đây 3 - 4 tháng sản xuất được 350 W thì nay có thể cho ra tới 450 W.
Với mức giá mới này, dù có lãi, mọi người vẫn đầu tư nhưng chắc chắn điện mặt trời sẽ không còn phát triển rầm rộ như giai đoạn trước, làm chậm lại quy hoạch khuyến khích năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55 mới mà Bộ Chính trị vừa ban hành.