Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nghiên cứu lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.
Đây là một trong những đề xuất của cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng liên kết vùng.
Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì, ông Nguyễn Đức Tâm - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Hội đồng vùng cho biết, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao nhất cả nước; kim ngạch xuất khẩu tính đến tháng 11 đạt trên 72 tỷ USD.
Tổng thu thuế xuất nhập khẩu đạt 15.398 tỷ đồng, tăng 25,8% so với dự toán giao, tập trung vào các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... cho thấy thương mại qua biên giới đang có dấu hiệu khởi sắc.
Toàn vùng có 5/14 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất là Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai. Hiện, toàn vùng đã có 26/37 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 67% diện tích. Số doanh nghiệp toàn vùng khoảng 44 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm trước…
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, một số kế hoạch, đề án lớn đã được phê duyệt cũng như triển khai 18 dự án trọng điểm như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu. Ngoài ra, các dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cảng hàng không Sa Pa; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai… đang triển khai thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2024, lãnh đạo cơ quan thường trực Hội đồng vùng chỉ ra một số khó khăn, thách thức. Đó là, quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, 13/14 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững, liên kết hợp tác phát triển vùng còn chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được chuỗi sản xuất đặc trưng...
Hạ tầng giao thông kết nối vẫn là điểm nghẽn của vùng, chưa kết nối được với Vùng Thủ đô, ra các cảng biển, đường sắt chưa kết nối được với Trung Quốc và ra quốc tế. Ngoài ra, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của vùng chậm như tuyến Hòa Bình - Mộc Châu, điều chỉnh cao tốc Hà - Giang Tuyên Quang, hầm Hoàng Liên…
Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thời gian tới cần xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển và điều phối vùng; nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng.
Các bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Các địa phương cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách trung ương ưu tiên bố trí cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng liên kết vùng trong giai đoạn tới; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến trong năm 2026.
Các bộ, địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư công đã được giao trong năm nay và năm 2025, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt và chuẩn bị triển khai 33 dự án quan trọng, liên kết vùng đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết về phát triển Vùng, đề xuất tháo gỡ ngay các khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ.