Bên cạnh sự tiện lợi cho kinh doanh, mua sắm, giải trí, nâng cao kiến thức…, internet cũng là môi trường lý tưởng cho đối tượng xấu thực hiện các hành vi thủ đoạn lừa đảo người dân.
>>Lừa đảo qua mạng nhức nhối đến bao giờ?
Cô con gái đi du lịch Thái Lan bất cẩn làm rơi mất chiếc ví có căn cước công dân gắn chip mới làm. Không hiểu sao chỉ về nước có mấy hôm đã hốt hoảng gọi điện cho bố:
- Bố ơi, có người gửi lệnh bắt con tội buôn bán ma tuý và rửa tiền. Họ gửi ảnh qua Zalo rồi điện thoại video cho con. Liệu có sao không bố?
Tôi nhắn cháu cứ bình tĩnh chặn số đã điện thoại để chuyên tâm học hành, nếu còn bị quấy rối tiếp thì bảo thẳng các chú ở đâu, bố cháu với công an sẽ đưa cháu đến. Các chú bắt khỏi phải mất công đi bắt, nhà cháu bác ruột và các anh đều làm công an.
Con gái tôi nhắn lại như thế xong là phía bên kia tịt ngóm, không còn đe doạ cháu nữa. Đấy là trường hợp của con gái tôi rất bình tĩnh và được gia đình hướng dẫn kịp thời. Trong xã hội, còn rất các cháu chưa có kinh nghiệm hay kĩ năng, nếu gặp tình huống này có thể hốt hoảng và làm theo thủ đoạn của bọn lừa đảo sẽ “tiền mất tật mang”.
Việc phổ cập Internet dẫn đến bùng nổ sử dụng mạng xã hội. Chỉ trong 10 năm trở lại đây “nam, phụ, lão, ấu” người Việt dành rất nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram… Việc thanh toán chuyển khoản trực tuyến giúp các giao dịch thương mại trở lên đơn giản, nhanh chóng... Bên cạnh sự tiện lợi cho kinh doanh, mua sắm, giải trí, nâng cao kiến thức…, thì đây cũng là môi trường lý tưởng cho đối tượng xấu thực hiện các hành vi thủ đoạn lừa đảo người dân.
Việc quản lý thông tin cá nhân cũng như ý thức, kiến thức hiểu biết về pháp luật của không ít người dân còn hạn chế, cùng việc dữ liệu cá nhân bị khai thác, mua bán mà chưa có chế tài pháp luật đủ mạnh để kiểm soát răn đe…, dẫn đến việc các đối tượng tội phạm trên mạng tìm đủ mọi cách để đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng, thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Người viết được biết qua người thân quen đã có hàng chục vụ, có cả cô giáo dạy cấp 3, khi bị đối tượng giả danh công an với hình ảnh mặc quân phục gọi điện thoại báo cô có liên quan đến vụ án ma tuý. Muốn chứng minh việc mình ngoại phạm, không bị liên đới phải gửi phí để phía công an xác minh. Vì sợ hãi bị mang tiếng, hay lo “đền được vạ thì má đã sưng”, cô đã chuyển cho kẻ giả danh hàng chục triệu đồng, đến khi tiếp tục bị đòi thì cô mới nhận ra mình bị lừa.
Đầu năm 2023, các vụ điện thoại giả danh nhà trường, thầy cô giáo điện thoại báo cho phụ huynh học sinh là con bị tai nạn cần phẫu thuật gấp nên cần tiền chuyển ngay để làm thủ tục là dư luận phẫn nộ. Phụ huynh nào mất bình tĩnh, không xác nhận thông tin vội vã chuyển tiền là sẽ bị mắc lừa khi con mình vẫn bình an vô sự. Bọn tội phạm công nghệ đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh để gây tâm lý hoảng loạn, thiếu minh mẫn khi nhận tin con em bị tai nạn nhằm trục lợi.
>>Thêm những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội
>>Lừa đảo qua mạng: Chuyện cũ mà không cũ
Khi các thủ đoạn này đã cũ, chúng chuyển sang phương thức giả danh cán bộ nhân viên ngành điện lực điện thoại đến người dân với thủ đoạn lừa đảo. Chúng doạ cắt điện do sử dụng lượng điện cao bất thường khi cả nước yêu cầu sử dụng tiết kiệm điện, hay vi phạm điều khoản nào đó trong hợp đồng điện rồi tuyên bố sẽ cắt điện trong vài giờ tới, hoặc thông báo số nợ tiền điện còn chưa thanh toán yêu cầu thanh toán gấp.
Do tâm lý sợ bị cắt điện ảnh hưởng đến sinh hoạt, hỏng đồ bảo quản trong tủ lạnh, nên nhiều người vội vàng chuyển tiền theo chỉ dẫn để đảm bảo an toàn mà không biết rằng mình đã bị lừa. Chỉ đến khi tới kỳ thanh toán tiền điện mới ngã ngửa người ra do vẫn phải thanh toán theo hoá đơn tiêu thụ, còn số đã thanh toán theo chỉ dẫn thì “cuốn theo chiều gió”.
Vẫn thủ đoạn giả danh nhân viên ngành điện lực, nhưng gần đây nhất là việc lừa đảo được thực hiện bằng cách điện thoại báo cho khách hàng thông báo: Khách hàng được nhận lại 10-15% tiền điện đã thanh toán cho mức tiêu thụ, rồi đề nghị kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cài đặt ứng dụng nhận lại tiền. Tiếp tục đề nghị khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển trả, nhưng thực tế là để xâm nhập và tiến hành lừa đảo chiếm đoạt, trong EVN không hề có chính sách nào trả lại tiền cho khách hàng qua bất kỳ ứng dụng nào.
Vậy trước khi để các cơ quan công an, an ninh mạng thực hiện các chức năng nhiệm vụ bảo vệ người dân thì người dân cần tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lừa đảo trên mạng.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các cuộc gọi số lạ, không hiển thị số điện thoại... Không liên quan, dính dáng đến các hoạt động vi phạm pháp luật thì hoàn toàn tự tin, không hoảng sợ trước bất cứ lời đe doạ nào. Không có công an nào bắt tội phạm mà lại “thả gà ra đuổi” bằng cách điện thoại thông báo trước cho thủ phạm cả. Nếu có vướng mắc liên quan, sẽ có giấy gọi lên trụ sở công an làm việc, ít nhất là cảnh sát khu vực sẽ thông tin cho bạn chứ không có chuyển gửi lệnh bắt giữ bằng hình ảnh qua Zalo.
Nếu bị đe doạ, bạn có thể thông báo tới người thân của mình liên hệ với công an để nhận hỗ trợ trợ giúp. Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, không chuyển khoản cho người lạ khi bị yêu cầu thực hiện các thao tác chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà không rõ ràng về địa chỉ để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, ít nhất là lộ thông tin cá nhân.
Nếu bị làm phiền nhiều, người dân có thể gọi điện báo cáo tới số tổng đài 156 của các nhà mạng nhận xử lý phản ánh về cuộc gọi, tin nhắn rác, các dấu hiệu lừa đảo để nhà mạng phối hợp với công an, an ninh mạng xử lý.
Cơ quan công an, an ninh mạng cần điều tra bắt giữ xử lý nghiêm các trường hợp đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, răn đe làm giương cho những kẻ có ý định xấu xa lợi dụng mạng xã hội để phạm tội.
Có thể bạn quan tâm
03:50, 03/07/2023
15:00, 06/12/2022
04:00, 12/03/2022