Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 – 2020, chiều 22/10.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thông qua việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18.11.2020 về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực tổ chức thực hiện từ ngày 1.1.2021. Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH còn những hạn chế, như số người tham gia BHXH mặc dù có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm, số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân là số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng BHXH tăng cao. Nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều hạn chế. Bảo hiểm thất nghiệp chưa thực thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động, việc hỗ trợ người lao động tiếp tục quay trở lại thị thường lao động sau khi bị mất việc làm chưa thực sự hiệu quả.
Chính phủ kiến nghị, Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH…
Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo định hướng cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ BHXH.
Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật. Tuy nhiên, một số chính sách, quy định được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật Bảo hiểm xã hội đã được chỉ ra nhưng chậm được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao theo hình thức tự nguyện.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, liên thông dữ liệu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giữa các cơ quan liên quan. BHXH Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định. Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trình bày báo cáo về công tác Quản lý sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về công tác khám chữa bệnh BHYT, năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019, trong đó, số lượt khám chữa bệnh nội trú giảm khoảng 11%, ngoại trú giảm khoảng 9% nhưng chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Về chất lượng khám chữa bệnh BHYT, năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, trong đó một số kết quả nổi bật. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế, như dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm.
Các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT.
Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở và thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực; cơ chế tài chính chưa khuyến khích việc phát triển cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã.
Do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (chưa có chi phí quản lý và chi phí khấu hao) nên chưa thể hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT theo lộ trình.
Đào tạo bác sĩ gia đình còn hạn chế về quy mô, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề thực hành về y học gia đình. Nhân lực chuyên trách thanh tra ít và phải đảm nhiệm việc thanh tra trong nhiều lĩnh vực với số lượng đối tượng thanh tra lớn.
Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội các nội dung như sau: nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về BHYT nhằm mở rộng bao phủ, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác Quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68.
Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như sau: mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.
Vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT.
Một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết KT-XH để giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, như đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng chi trả của người dân và NSNN.
Tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành NSNN để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, ưu tiên ngân sách cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (trạm y tế xã, bệnh viện huyện), công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
13:07, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021
06:00, 22/10/2021
22:20, 21/10/2021
16:34, 20/10/2021