Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu

DIỄM NGỌC 12/03/2024 05:30

Việc xử lý nợ xấu thế nào vẫn là vấn đề mà các ngân hàng băn khoăn khi trách nhiệm của người vay chưa được thể hiện rõ và các luật khác cũng chưa song hành cùng với Luật Các TCTD (sửa đổi).

>>Luật các TCTD (sửa đổi): Hỗ trợ thu hồi nợ xấu tương lai

Đánh giá về những điểm mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, có một số điểm rất đáng quan tâm như: Thứ nhất, đề cao vai trò trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban kiểm soát tại các ngân hàng.

Tới đây, các tổ chức tín dụng thu hồi nợ có thể gặp nhiều thách thức

Tới đây, các tổ chức tín dụng thu hồi nợ có thể gặp nhiều thách thức

Thứ hai, là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận với người dân, qua đó phía tổ chức tín dụng có thể thử nghiệm một cách đồng bộ, thống nhất, lan tỏa các dịch vụ của mình.

Thứ ba, là liên quan đến việc can thiệp sớm với vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thể hiện sâu sắc hơn. Đối với những tổ chức tín dụng không đạt tiêu chuẩn về các hệ số an toàn, nằm trong diện phải can thiệp sớm sẽ thấy được thực trạng kinh doanh của mình và có hướng giải quyết, tránh xảy ra tình trạng trầm trọng rồi mới kiểm soát đặc biệt, khi đó sẽ rất khó khăn để khắc phục.

Thứ, là câu chuyện xử lý nợ xấu, dù không đạt được kỳ vọng như một số nội dung của Nghị quyết 42, nhưng ít nhất đã thể hiện một phần tinh thần của Nghị quyết.

“Tuy nhiên, chúng ta sẽ đặt vấn đề xử lý nợ xấu như thế nào vẫn là điểm mà cá nhân tôi và các tổ chức tín dụng thấy băn khoăn. Trong bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng rất muốn lãi suất thấp, thủ tục đơn giản rút gọn, giải ngân nhanh; nhưng khi đến hạn trả nợ thì trách nhiệm của người vay chưa thể hiện rõ, mà các luật đồng bộ khác cũng chưa song hành cùng với Luật Các tổ chức tín dụng.

Vì vậy tới đây, các tổ chức tín dụng thu hồi nợ có thể gặp nhiều thách thức. Trước đó, một trong những đặc quyền của Nghị quyết 42 là giao cho các tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản, còn để khách hàng bàn giao tài sản là điều vô cùng khó khăn”, ông Hùng bày tỏ.

Thứ năm, là Luật Các tổ chức tín dụng đã rõ ràng hơn về mô hình của các công ty cho thuê tài chính, tài chính tiêu dùng, tài chính vi mô, hay kể cả một phần liên quan đến ngân hàng chính sách...

>>Gia hạn Thông tư 02/2023: Cần lường trước rủi ro... nợ xấu

Theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên đây là những vấn đề được đặt ra trong một bộ luật tương đối tổng thể, hoàn thiện, khái quát tất cả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên để triển khai một cách hiệu quả sẽ cần có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo. Hiện NHNN cũng đang tham mưu với Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư trong năm nay. Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta đều kỳ vọng NHNN sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm trong khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực và đưa vào áp dụng thì chưa phải là điều thuận lợi

Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm trong khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực và đưa vào áp dụng sẽ chưa phải là điều thuận lợi

Ngoài ra, một thực trạng trong nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm trong khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực và đưa vào áp dụng thì chưa phải là điều thuận lợi.

Thực tế, Luật ban hành có nhiều điểm mới và hướng tới quản trị ngân hàng chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Do đó, khi ngân hàng minh bạch hơn thì các doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng phải minh bạch để đảm bảo việc tiếp cận vốn thuận lợi.

Ví dụ trước đây, việc bao thanh toán không rõ ràng, thì đến nay bao thanh toán đã được quy định cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo, nhưng được các tổ chức quốc tế và các ngân hàng thông qua, sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Hùng cho biết thêm, về các nghiệp vụ khác, phía ngân hàng cũng đang rà soát lại, nhưng cơ bản các quy tắc không có gì thay đổi, chủ yếu là câu chuyện hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Trong lúc lãi suất huy động rất thấp, thanh khoản ngân hàng dồi dào, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không vay được vốn, vậy chúng ta phải xác định lại vấn đề là tại sao các doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng?  

Có thể thấy sau cả một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nền kinh tế có những diễn biến phức tạp, đặc biệt địa chính trị thế giới có sự thay đổi và giá cả lên xuống ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.

Tuy rằng hiện nay chuỗi cung ứng đã quay trở lại, nhưng không được như trước mà vẫn chỉ đang từng bước hồi phục. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, cá nhân là có, song để đáp ứng yêu cầu vay thì phải đảm bảo đúng điều kiện, nguyên tắc. Từ đó đặt ra vấn đề là những doanh nghiệp, cá nhân nào đáp ứng đủ yêu cầu thì vay vốn rất dễ với lãi suất thấp và ngược lại, trong khi các ngân hàng không được hạ chuẩn cho vay.

“Tôi cho rằng, thời điểm này các ngân hàng nên xem xét, chia sẻ, đánh giá lại thực trạng của doanh nghiệp, quản lý dòng tiền ra sao để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng có nhu vay vốn. Ngoài ra, không phải chỉ một phía ngân hàng, mà các Bộ, ngành cũng phải cùng vào cuộc hỗ trợ, như câu chuyện giảm thuế, hoàn thuế, hay các cơ chế chính sách liên quan đến xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng

    17:50, 05/03/2024

  • Tăng tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước qua VDB

    16:00, 05/03/2024

  • Nghị quyết 43 và hiệu quả chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất

    11:00, 05/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Băn khoăn chuyện xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO