Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo

YẾN NHUNG - GIA NGUYỄN 21/01/2024 04:00

Trong bối cảnh tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngày một nhức nhối, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý hữu hiệu...

>> Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Không chỉ làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), làm sai lệch về quản trị ngân hàng và đánh giá rủi ro, sở hữu chéo, thao túng ngân hàng còn kéo theo nguy cơ nợ xấu, tăng vốn ảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng và niềm tin nhà đầu tư.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua đem đến nhiều kỳ vọng về ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo - Ảnh minh họa: ITN

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua đem đến nhiều kỳ vọng về ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, sở hữu chéo, thao túng trong lĩnh vực ngân hàng không phải vấn đề mới mà là vấn đề đã được đặt ra từ hơn 10 năm nay, kể từ sau vụ án xảy ra ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), tuy nhiên, tình trạng này vẫn khiến cơ quan quản lý Nhà nước “đau đầu” bởi việc xử lý không hề đơn giản và đang ngày càng biến tướng phức tạp hơn, và vụ việc mới đây liên quan đến Vạn Thịnh Phát – SCB được cho là “giọt nước tràn ly” mà hành vi sở hữu chéo, thao túng ngân hàng để lại.

Để giải quyết hiện trạng đã nêu, Luật Các tổ chức tín dụng đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết.

Cụ thể, Luật (sửa đổi) đã bổ sung quy định về tổ chức quản trị điều hành, quản trị rủi ro để ngân hàng tiếp cận tốt với quản trị doanh nghiệp; các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ tổ chức tín dụng, nhất là quyền hạn của người quản lý, người điều hành, Tổng giám đốc, tăng số lượng ban kiểm soát tại ngân hàng thương mại nhất là kiểm soát, kiểm toán nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm, chức vụ theo hướng người quản lý, điều hành của TCTD không được đồng thời là người quản lý, điều hành tại doanh nghiệp khác, trừ một số trường hợp đặc thù.

>> Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về người có liên quan

Những giải pháp được Luật đưa vào được cho đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về quản lý các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro - Ảnh minh họa: ITN

Những giải pháp được Luật đưa vào được cho đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về quản lý các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro - Ảnh minh họa: ITN

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc đối với các vấn đề quan trọng, thành viên hội đồng quản trị không được ủy quyền cho người khác tham dự cuộc họp hội đồng quản trị để quyết định các nội dung này, tránh trường hợp lợi dụng việc ủy quyền để vô hiệu hóa hoạt động của Hội đồng quản trị; bổ sung trường hợp TCTD, công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD đó.

Đặc biệt, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng, Luật cũng đã điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới han tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình. Quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng được bổ sung, giúp tăng tối đa tính minh bạch thông tin liên quan tới sở hữu tổ chức tín dụng...

Nhìn nhận về các sửa đổi này, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp được đưa ra trong Luật mới sẽ tạo hàng lang pháp lý đủ hữu hiệu trong việc ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về quản lý các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó là bổ sung các công cụ để quản lý hiệu quả các tổ chức tín dụng.

Với các quy định mới về hạn mức cho vay với một khách hàng; các quy định về phòng ngừa rủi ro về thao túng, sử hữu chéo bằng việc mở rộng cổ đông, các đối tượng có liên quan; giảm tỷ lệ cổ phần tối đa cổ đông và nhóm liên quan được nắm giữ… sẽ khiến việc thao túng một ngân hàng của một cổ đông hay nhóm người liên quan cổ đông đó sẽ giảm đi. Giúp cho hoạt động ngân hàng minh bạch và an toàn hơn thay vì chịu sự điều hành của một hoặc một nhóm cổ đông.

“Các tỷ lệ sở hữu quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là xu thế chung của các tổ chức tín dụng nói chung ở khu vực cũng như quốc tế”, đại biểu Thịnh bày tỏ.

Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, Luật (sửa đổi) được thông qua là một bước tiến đáng kể trong việc nỗ lực xử lý các lỗ hổng trong hoạt động của các TCTD, qua đó, thiết lập được rào cản tốt hơn về sở hữu chéo, tránh được tình trạng thao túng, chi phối.

Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần nâng cao chất lượng quản trị hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động tín dụng, tiền tệ an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn. Các quy định tại Luật cũng thúc đẩy đổi mới hoạt động ngân hàng.

Được biết, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua gồm 15 Chương, 210 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024, trừ quy định tại khoản 2 Điều Điều 209. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Chú trọng khâu thực thi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    Chú trọng khâu thực thi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    05:20, 20/01/2024

  • Nhiều kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua

    Nhiều kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua

    23:37, 18/01/2024

  • Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua

    Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua

    13:53, 18/01/2024

  • Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    09:26, 18/01/2024

  • Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về người có liên quan

    Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cân nhắc quy định về người có liên quan

    11:00, 17/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO