Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ bảo đảm sự an toàn, minh bạch, ổn định của hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự phát triển theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và góp phần tăng trưởng và ổn định kinh tế dài hạn.
>>Ba điểm chính trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua
Sáng ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 15 chương, 210 điều. Để đánh giá về tác động của Luật đối với ngành ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với bà Lê Thị Hương Trà, Chuyên gia nghiên cứu định chế tài chính, Viện NCKH ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
- Theo bà nhìn nhận, điểm nhấn quan trọng trong Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này là gì?
Theo tôi, Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt có ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết và góp phần lấp đầy các khoảng trống pháp lý của Luật TCTD cũ.
Cụ thể, Luật đã quy định về việc giới hạn sở hữu các TCTD khi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông góp vốn là tổ chức và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông; bổ sung quy định TCTD phải công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên để bảo đảm minh bạch; đồng thời nghiêm cấm TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức,…
Cùng với đó, Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng góp phần luật hóa liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ trên tinh thần Nghị quyết 42.
- Vậy Luật sửa đổi có thực sự giải quyết được tình trạng sở hữu chéo hay còn cần thêm các yếu tố gì?
Quy định giảm tỷ lệ sở hữu và công khai thông tin đối với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên trong Luật Các TCTD (sửa đổi) nhìn chung sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế tình trạng sở hữu chéo ngân hàng và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau.
Tuy nhiên, để thực sự giải quyết được tình trạng sở hữu chéo, việc giám sát thực thi quy định này là rất quan trọng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD.
Bên cạnh đó, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở vấn đề quản trị. Để ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác minh được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.
Ngoài việc minh bạch thông tin của các cổ đông, quan trọng hơn nữa là việc minh bạch được dòng tiền. Vì vậy, một công cụ quan trọng và trước tiên cần áp dụng đi kèm là cơ chế giám sát dòng tiền góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thông qua kiểm soát dữ liệu cá nhân và thanh toán không dùng tiền mặt.
>>Chú trọng khâu thực thi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
- Nhìn chung, Luật Các TCTD (sửa đổi) sẽ có tác động ra sao đến ngành ngân hàng, thưa bà?
Tôi cho rằng Luật các TCTD sửa đổi sẽ bảo đảm sự an toàn, minh bạch, ổn định của hệ thống TCTD, đảm bảo sự phát triển của hệ thống TCTD theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, từ đó đóng góp cho tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn.
Đồng thời, Luật sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược góp vốn vào các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp nâng cao lực tài chính và quản trị của các ngân hàng.
Trong Luật các TCTD (sửa đổi), tôi cũng đánh giá cao ảnh hưởng tích cực của một số quy định như: Quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu và minh bạch thông tin cổ đông sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát; Quy định hoạt động đại lý bảo hiểm giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động phân phối bảo hiểm (banca); Quy định xử lý tài sản đảm bảo giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.
- Chúng ta đã trải qua năm 2023 với tình hình tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng. Ngay từ đầu năm mới, NHNN đã thực hiện giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các tổ chức tín dụng. Bà đánh giá sao về sự thay đổi này và có kỳ vọng gì vào khả năng trưởng tín dụng của năm nay?
Việc NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các TCTD có thể coi là phương thức điều hành thể hiện sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của NHNN, tạo điều kiện cho các TCTD đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế về vốn.
Trong nước, khó khăn về tăng trưởng tín dụng xuất phát từ khả năng hấp thụ vốn yếu của khu vực tư nhân của năm 2024 sẽ có thể tiếp diễn. Trên thế giới, áp lực lạm phát vẫn lớn khiến ngân hàng trung ương các nước chưa hạ lãi suất, nền kinh tế các quốc gia có thể đổi mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng. Nhu cầu của toàn cầu giảm có thể dẫn đến xuất khẩu giảm, tác động rất lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Chính sách này cũng yêu cầu các TCTD phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu được giao, từ đó đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024 có thể chưa cao ngay lập tức. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường thấp, cùng với đó phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 có thể tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024. Tuy nhiên, cho đến hết năm 2024, khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 có một số tín hiệu khả quan, đồng thời độ trễ của chính sách tiền tệ khiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm trong năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng.
Mặc dù vậy, năm nay được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong nước. Do đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ các TCTD đảm bảo cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
05:20, 20/01/2024
23:37, 18/01/2024
04:00, 21/01/2024
13:53, 18/01/2024