ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kỳ vọng Luật Đầu tư sửa đổi sẽ khắc phục những chồng chéo trong pháp luật hiện nay.
- Báo cáo của VCCI khẳng định có tới 20 vấn đề “chồng chéo” liên quan đến Luật Đầu tư 2014, thưa ông?
Tôi phải khẳng định rằng, Dự thảo Luật Đầu tư vừa qua đã có những ảnh hưởng tích cực khi đưa ra được những quy định mới phù hợp với thực tiễn, đặc biệt tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, phải chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường bất động sản ngay sau đại dịch COVID-19 và những năm tiếp theo.
Trong Báo cáo chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh, VCCI khẳng định trong số 25 điểm chồng chéo của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh thì có đến 14 điểm chồng chéo liên quan đến Luật Đầu tư hiện hành.
Tuy nhiên, tình trạng chồng chéo vẫn đang là 1 vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế, Luật Đầu tư vẫn được xem là “luật chung” trong pháp luật về đầu tư. Luật này quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục của dự án đầu tư, nghĩa là các luật khác không quy định thêm về nội dung này. Nhưng, một số luật chuyên ngành lại yêu cầu thêm về tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư hoặc yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đối với các loại dự án đầu tư mà theo quy định của Luật Đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào.
Đáng nói ở đây, chính các văn bản luật lại có các mâu thuẫn chồng chéo lên nhau khiến cho các doanh nghiệp không biết nên áp dụng văn bản nào để thực hiện. Điều này gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
- Nhưng dù sao, Luật Đầu tư đã thông qua trong kỳ họp Quốc hội này, thưa ông?
Trước mắt, chúng ta nên tiếp tục tập trung vào việc sửa đổi những vấn đề như sau:
Thứ nhất, cần thiết phải rà soát, kiểm tra lại tất cả các văn bản Luật liên quan như Luật đấu thầu, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng… để có thể phát hiện những chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định Pháp luật. Từ đó mới có thể sửa đổi, bổ sung sao cho đồng nhất với các văn bản pháp luật hiện hành, tránh gây nhầm lẫn, hoang mang cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, cần xem xét lại một số vấn đề thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Thủ tướng. Thay vào đó có thể phân cấp cho UBND tỉnh giải quyết theo quy hoạch của từng địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều này giúp đơn giản hoá các thủ tục, giúp cho doanh nghiệp không bị mất đi những cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển, mở rộng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, siết chặt vấn đề hưởng chính sách ưu đãi để khắc phục các vấn đề còn tồn tại hiện nay. Tuy nhiên, cần giảm bớt các thủ tục, đặc biệt là việc phải thực hiện thủ tục hưởng chính sách qua quá nhiều các cơ quan nhà nước gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát là yêu cầu rất cấp bách đặt ra ngay lúc này. Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao tính tự chủ và độc lập của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng vẫn xây dựng được các doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ và phát triển bền vững.
- Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng khẳng định tình trạng núp bóng, thâu tóm một phần nguyên nhân là do các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014. Vậy theo ông, chúng ta cần cách tiếp cận ra sao về vấn đề này?
Các dự án đầu tư, các dự án thắng thầu của Trung Quốc tại Việt Nam có nhiều khuất tất. Mặt khác, tình trạng lơi lỏng trong quản lý các dự án đầu tư của Trung Quốc, cả FDI và ODA, có thể làm một số quan chức, người dân địa phương ở Việt Nam bị gục ngã. Đây là việc giả mạo trong giao dịch dân sự về BĐS trong kinh doanh. Biết là làm điều trái pháp luật nhưng nhiều người vẫn bị mờ mắt vì tư lợi, thậm chí không hiểu cả cái sai có thể dẫn đến an ninh quốc gia.
- Ông có thể phân tích kỹ hơn?
Người nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép hoạt động. Nhưng công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành chủ sở hữu các dự án sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, bản chất của vấn đề là pháp lý của Việt Nam chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, hay nói cách khác là chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư và sở hữu đất đai, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách luật, sở hữu đất trái phép.
- Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư 2014 “hổng”, thưa ông?
Dự thảo Luật Đầu tư đang dự kiến thông qua tại kỳ họp này sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các Bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.
Tuy nhiên, công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành chủ sở hữu các dự án sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
05:30, 17/06/2020
05:00, 14/06/2020
18:38, 09/06/2020
08:00, 30/05/2020