Sáng 8/6, bên hàng lang Quốc hội, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã chia sẻ cùng báo chí các thông tin về đặc khu khi thời điểm “ấn nút” đã cận kề.
ĐB Xuyền cho biết, chiều 7/6, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã tổ chức phiên họp tiếp thu ý kiến về dự án luật này.
Cuộc họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đại diện các bộ ngành, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến về dự án luật này.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mời Chính phủ sang để nghe quan điểm của Chính phủ về ý kiến của ĐBQH, cử tri và nhân dân, các chuyên gia về dự án luật đặc khu đang còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Cuộc họp nhằm tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề còn khác nhau của dự thảo luật, sau khi hoàn thiện lại dự thảo, Ủy ban sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo các ĐBQH.
“Quan điểm của tôi là nên thông qua dự án luật về đặc khu tại kỳ họp này. Dự thảo luật đã chỉnh sửa nhiều lần, tiếp thu ý kiến nhiều chiều, đến nay về cơ bản chỉnh sửa đã gọn. Trong đó có cả thời hạn cho thuê đất, sẽ không còn mức 99 năm mà chỉ 70 năm, như quy định hiện hành của luật đất đai”, ông Xuyền nói.
Ông Xuyền cho biết, Dự án 70 năm không có ảnh hưởng gì liên quan đến vấn đề đất đai.
Có thể bạn quan tâm
11:43, 07/06/2018
05:35, 07/06/2018
11:42, 07/06/2018
04:25, 07/06/2018
16:02, 06/06/2018
- Vậy, nếu rút mức cho thuê đất từ 99 năm xuống còn 70 năm thì sẽ như quy định của luật đất đai hiện hành, thưa ông?
70 năm là quy định chung, nhưng những ngành nghề ưu đãi ở 3 đặc khu thì cần xác định phải lựa chọn ra một số ngành nghề để ưu đãi, là những ngành nghề đặc thù được ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất và các ưu đãi khác. Còn lại những nội dung nào không xác định là ưu tiên đặc thù ở đặc khu thì được tự do sản xuất kinh doanh nếu pháp luật không cấm. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong luật đất đai.
- Theo ông, 3 đặc khu của chúng ta có gì nổi trội để thu hút đầu tư?
Tại 3 đặc khu, chúng ta có các ưu đãi nổi trội về giá thuê đất, thời hạn thuê đất, các chính sách về thuế và đặc biệt là các cơ chế thông thoáng về thu hút đầu tư. Chính phủ xác định môi trường về đầu tư là quan trọng nhất, môi trường về sản xuất kinh doanh, cơ chế tư pháp tại đó nhanh gọn, thông thoáng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, phù hợp với thông điệp quốc tế, đó chính là cái quan trọng nhất.
Ưu đãi về thuế, về đất đai không phải là quan trọng, các nhà đầu tư mà nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược họ không quan tâm tới cái đó; điều họ cần là môi trường đầu tư, đó là cơ chế chính sách phải thông thoáng, minh bạch, nhanh gọn và đảm bảo cho yêu cầu sản xuất kinh doanh đặt ra. Khi có các vấn đề tranh chấp về dân sự, về kinh tế xảy ra thì cần có sự giải quyết đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế.
- So với các đặc khu lân cận đã thành công rồi, liệu 3 đặc khu của chúng ta đã đủ các yếu tổ để cạnh tranh và thành công?
Khi xây dựng đặc khu này, theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và quán triệt thì Chính phủ cũng đặt ra khi trình dự thảo ra đó là cố gắng cạnh tranh với các đặc khu trong khu vực của châu Á và các đặc khu lân cận khác cũng đã được tính toán phù hợp. Bên canh đó, khi lấy ý kiến ĐBQH cũng sẽ xem xét để tiếp tục chỉnh sửa lại nếu cái nào cao thì giảm xuống hoặc cái nào chưa vượt trội thì cần điều chỉnh cho tốt hơn.
Có thể nói, đến giờ phút này các cơ chế chính sách ở đây cơ bản đảm bảo và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Trong quá trình làm, Chính phủ và Quốc hội cũng xác định sẽ phải sửa đổi luật cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, trong 10 năm họ cũng đã sửa rất nhiều lần (cụ thể là 6 lần). Nếu cứ nghĩ khi luật đã thông qua thì cú thế áp dụng thì chưa phải đúng, bởi kinh tế phát triển rất nhanh, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra như hiện nay thì yêu cầu về quản lý cũng thường xuyên phải đổi thay. Do đó, các thiết chế trong quy định của luật cũng phải sửa đổi cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư và phát triển theo xu hướng chung như hiện nay.
- Thưa ông, chúng ta đã có những thiết kế kỹ thuật nào đối với các dự án đầu tư hạ tầng, đầu tư cảng biển, đầu tư sân bay mà nó có thời hạn lớn hơn cả 70 năm, để nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục được hoạt động sau khi hết thời hạn giao đất?
Luật hiện hành đã quy định rất rõ, sau khi hết thời hạn 20 năm đó mà người sử dụng đất vẫn có nhu cầu, vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả mà chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các yêu cầu về nghĩa vụ của Nhà nước thì sẽ tiếp tục được gia hạn và họ tiếp tục sử dụng chứ không thể dỡ ra để giao lại. Câu chuyện này cũng tương tự như vậy, sau khi hết thời hạn 70 năm, họ lại tiếp tục được ra hạn nếu chấp hành đúng nghĩa vụ và pháp luật. Thực tế đã có các dự án như khách sạn 5 sao, cảng biển, sân bay, nhà ga,… có niên hạn sử dụng tới hàng trăm năm hoặc hơn thế.
- Vậy, theo ông 99 năm hay 70 năm sẽ có lợi hơn khi mà các nhà đầu tư chiến lược nhìn vào thời hạn đó để tổ chức lại dự án cũng như quy mô công trình họ đầu tư ở đặc khu?
Mục đích của chúng ta đưa ra, đối với các nhà đầu tư chiến lược có cam kết được đầu tư lâu dài nên rất mong muốn được thuê với thời gian như trên, nên Chính phủ trình phương án như vậy. Đương nhiên chúng ta có luật quy định rất chặt chẽ và thẩm quyền đó không phải thẩm quyền giao cho đặc khu, cũng không phải của tỉnh mà thẩm quyền đó của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trên cơ sở của ý kiến cử tri, ý kiến ĐBQH, Chính phủ, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét tình hình để quyết.
Việc cử tri, nhân dân, ĐBQH góp ý, tham gia vào Luật và quan tâm đến luật là rất tốt, cơ quan chủ trì thẩm tra giúp cho Quốc hội, Thường vụ Quốc hội để thu lượm ý kiến, chắt lọc tiếp thu ý kiến và tiếp tục chỉnh lý .
- Xin cảm ơn ông!