Luật Hồi tỵ chìm vào lãng quên cùng với sự cáo chung của chế độ phong kiến, đã mấy trăm năm nhưng nhiều vấn đề nhức nhối diễn ra y chang điều cổ nhân đã nói.
Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 đang bàn đến những chuyện hệ trọng. Làm sao để đẩy lùi tình trạng cả họ làm quan? Làm gì để chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực?
Một giải pháp có từ thời xa xưa nhưng xem ra nay vẫn rất cần. Sắp tới đây, (có thể) Bí Thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương, quan điểm tương đồng với tinh thần Luật Hồi tỵ - Bộ luật được ban hành bởi vua Lê Thánh Tông vào thời hậu Lê (thế kỷ XV).
Nội dung cốt lõi của Luật Hồi tỵ ghi: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
Luật Hồi Tỵ có phần khắt khe, nhưng điều đó cần có để đảm bảo một hệ thống trong sạch, “cách ly” quan lại với mầm mống tiêu cực. Để biết quy định này hay cỡ nào hãy nhìn vào hiện tượng biệt phủ, “quan anh”, “quan em”, đúng quy trình nhưng sai con người....
Phạm Sư Mạnh, một học trò thông minh xuất chúng của Chu Văn An, đổ đạt làm quan lớn trong Triều đình, khi về thăm thầy mang theo quân lính hầu hạ gây náo loạn xóm làng. Biết chuyện thầy Chu mắng: “Về thăm thầy mà náo loạn thiên hạ, ta mặt mũi nào nhìn người khác”, quan lớn họ Phạm liền quỳ sụp mong thầy tha thứ!
Lẽ đạo của Phạm Sư Mạnh và Chu Văn An hình thành và tồn tại trong xã hội phong kiến mang tiếng lạc hậu, bảo thủ, nhưng ít ra, học trò còn biết quyền lực của mình dù lớn mấy chăng nữa vẫn không che nổi đạo lý. Đấy há chăng quyền lực đã được kiểm soát bằng đạo đức?
Hình ảnh quan lại nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu.
Thời phong kiến, con đường lập thân lập nghiệp trung bình mất 35 năm để trở thành tước quan nhỏ, kể cả thái tử sống dưới hào quang quyền lực của vua cha vẫn cung kính thỉnh thầy đồ dạy dỗ.
Có thể bạn quan tâm
|
Chu Văn An là người đã đào tạo nên 2 vị vua nhà Trần (Dụ Tông và Hiến Tông), hay Nguyễn Văn Siêu “rèn” thái tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức.
Luật Hồi tỵ chìm vào lãng quên cùng với sự cáo chung của chế độ phong kiến. Ngày nay, dù đã mấy trăm năm nhưng nhiều vấn đề nhức nhối diễn ra y chang điều cổ nhân đã nói.
Một đại gia đình “án ngữ” toàn vị trí chủ chốt ở địa phương, “quan anh” nâng đỡ thiếu…trong sáng “quan em”, "quan bố” bổ nhiệm “quan con”, tậu đất xây biệt phủ, cố căn nhiều đời, “ghế trên ngồi tót”... thôi thúc những người hoạch định chiến lược thiết kế quy phạm “Hồi tỵ thế kỷ 21”.
Đến thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, Luật Hồi tỵ được nâng cấp rất chặt chẽ: “Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy”, “Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc”, “Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ”…
Thậm chí: “Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình”.
Chiểu theo Luật Hồi tỵ, ngày nay có độ chênh lệch khá lớn. Quan đứng đầu tỉnh, huyện đáng lẽ phải điều nơi khác về thì hầu hết là người địa phương; đại biểu nhân dân đáng ra phải người địa phương để am tường tình hình thì được ứng cử từ nơi khác.
Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay có “hơi thở” Hồi tỵ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho…”.
Quy định 98-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ban hành năm 2017 về chính sách luân chuyển cán bộ, cũng có phần nào đó tiếp thu, phát triển Luật Hồi tỵ.
Vì sao nhà Nguyễn tạo ra một xã hội thịnh trị, sức mạnh kinh tế - quân sự hàng đầu Châu lục, mở mang bờ cõi xuống phương Nam, cầm cự với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp một thời gian dài. Nếu nói hoàn toàn là thành quả của Luật Hồi tỵ chưa hẳn đúng.
Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy bất cập trong công tác cán bộ, nhanh chóng “vá lỗi” là điều đáng tán dương. Song, chỉnh đốn cán bộ không thể giao hoàn toàn cho một quy tắc nào đấy là xong.
Luật Hồi tỵ được xây dựng và áp dụng trong một xã hội mà người ta thường chỉ trích sặc mùi Nho giáo, thủ cựu, đạo đức thuần túy. Nhưng đó là nền tảng để một vị quan lớn như Phạm Sư Mạnh quỳ dưới chân thầy; những ông vua một tay che cả bầu trời “hạ mình” kính thầy đồ dạy dỗ con mình.
Một thời đại mà đa phần con người có đạo đức, luân lý thì luật pháp không cần dài dòng.