Một trong những quy định khó khả thi tại dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đó là áp dụng hình thức cấm tiếp xúc với người gây ra bạo lực trong phạm vi trên 50 m.
>>Nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 31/5.
Phân tích về biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình ở Điều 30, đại biểu Hoàng Đức Thắng đánh giá rất khó khả thi.
Cụ thể, tại điểm c Điều 30 có quy định biện pháp cấm tiếp xúc, Điều 33 quy định Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định để áp dụng hình thức cấm tiếp xúc trong phạm vi trên 50 m.
“Tôi không hiểu có gia đình nào có căn nhà rộng đến 50 m và có hai phòng để cấm tiếp xúc với người gây ra bạo lực hay không? Nếu cấm tiếp xúc thì người bị bạo hành hoặc người gây ra bạo lực gia đình đó sẽ ở đâu? Quy định này rất mơ hồ và không thực tế”, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ.
Và nếu quy định không rõ ràng, thì đối tượng cấm tiếp xúc là ai? Là người gây ra bạo lực gia đình hay người bị bạo lực gia đình.
Nếu không khéo thì lại đưa người vợ và con nhỏ bị bạo lực gia đình đi ở nhờ một nơi khác một thời gian. Còn người bạo lực gia đình thì “nhởn nhơ” ở nhà. Như vậy sẽ phản tác dụng.
Do đó, nếu cấm tiếp xúc thì phải chỉ rõ đối với những người gây ra hành vi bạo lực gia đình là phải rời khỏi gia đình đó để bảo vệ những bị tổn thương do bạo lực gia đình được ở trong ngôi nhà đó. Người bạo lực gia đình có thể bị đi cách ly một thời gian.
“Tôi đề nghị thiết chế luật phải chỉ rõ điểm này nếu không sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Kiến nghị về quy định phạt tiền người gây ra bạo lực gia đình, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nếu có chế định phạt tiền thì phải phạt bằng chính tài sản riêng của người gây ra bạo lực.
Vì khi chưa đến mức xử lý hình sự thì thường sẽ phạt hành chính. Trong khi, phần lớn xử phạt hành chính hiện nay là bằng tiền.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, nếu quy định phạt một khoản tiền mà không nói rõ tiền này của ai thì lại trở thành bất cập. Vì trong gia đình tài chính bao giờ cũng là tài sản chung.
Và người bị bạo lực gia đình lại mang tiền chung để đi nộp phạt. Như vậy không có giá trị, thậm chí còn tác động và ảnh hưởng đến người bị bạo lực.
Chồng đánh vợ nhưng mang tiền nhà đi nộp phạt từ 500.000 nghìn đến vài triệu đồng thì sẽ “đụng” trực tiếp đến người bị bạo lực gia đình.
Cho nên, phải có chế định “nếu phạt hành chính bằng tiền thì phạt bằng chính tài sản riêng của người gây ra bạo lực”. Vì không thể các cơ quan chính quyền xử phạt hành chính về tội bạo lực gia đình, nhưng người bị bạo hành lại mang tiền nhà lên nộp.
“Như vậy, gia đình nào có người chồng dùng bạo lực gia đình với người vợ thì phải chuẩn bị một khoản tiền riêng để chuẩn bị nộp phạt”, đại biểu Hoàng Đức Thắng lưu ý.
Trao đổi về quy định cấm tiếp xúc (Điều 33, 34, 35), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị, ngoài việc cấm tiếp xúc bằng hình thức gặp mặt thì cũng phải cấm cả hình thức trao đổi qua điện thoại.
“Vì qua điện thoại, người bạo hành vẫn có thể gọi điện hoặc nhắn tin để miệt thị. Như vậy, đã cấm thì phải cấm triệt để bằng mọi hình thức”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nói.
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) trăn trở, người phụ nữ dân tộc nói chung, người dân tộc Vân Kiều nói riêng rất cam chịu. Mặc dù đã có nhà “lánh nạn” để dành cho người bị bạo lực gia đình, nhưng sự đầu tư không “đến nơi, đến chốn”.
Nhà lánh nạn nhưng lại không có chỗ nấu ăn, không có khu vệ sinh. Người vợ bị bạo hành đến ở tạm được vài tiếng lại đành “cam chịu” trở về gia đình nấu cơm cho chồng, mặc dù vẫn biết về là bị bạo hành nhưng vẫn phải về.
“Vì nếu ở lại thì lấy gì để ăn, nước đâu để tắm. Qua đó cho chúng ta thấy rằng, khi xây dựng luật thì phải có được sự đồng bộ của tất cả các yếu tố cơ sở, để khi luật ban hành thì sẽ dễ dàng thực hiện”, đại biểu Hồ Thị Minh nói.
Có thể bạn quan tâm
17:22, 16/04/2022
20:00, 01/01/2022
12:27, 19/10/2021