Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia.
>>Nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Trước đó, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), đa số các ý kiến đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật PTDS là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia.
Có ý nghĩa điều chỉnh và bao quát đầy đủ các hoạt động của PTDS cũng như tạo điều kiện cho hoạt động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nhưng cần đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan.
Cho rằng PTDS cũng như phòng thủ quốc gia nói chung rất quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phát triển bình thường của xã hội cũng như đời sống của người dân, đại biểu Phan Văn Xựng (TP. HCM) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật PTDS của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, về sự cần thiết ban hành Luật PTDS, nhất là đã làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Đại biểu Phan Văn Xựng nhấn mạnh, việc ban hành Luật PTDS là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, có ý nghĩa điều chỉnh và bao quát đầy đủ các hoạt động của PTDS và hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tạo điều kiện cho hoạt động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nhất là những vấn đề mà các luật khác chưa đề cập, trong thực tiễn đã diễn ra nhưng khuôn khổ pháp lý chưa điều chỉnh.
Đại biểu nêu ví dụ như vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng năm 2014, lũ lụt hàng năm, sự cố sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, vụ hỏa hoạn tại Công ty bòng đèn Rạng Đông năm 2019; tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 diễn ra ở các tỉnh phía Nam, trong đó TP. HCM là tâm dịch….
Trước các thực tế diễn ra như vậy, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp vào cuộc quyết liệt, quân đội đã tham gia vào công tác phòng chống, khắc phục các sự cố này với tinh thần, trách nhiệm xả thân của các cán bộ chiến sỹ, nhất là các lực lượng chuyên môn đã vào cuộc xử lý.
Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng, đại biểu cho rằng, lực lượng quân đội còn áp dụng các công cụ, phương tiện để tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả, sự cố rất tốt, đặc biệt vai trò của quân đôi trong tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021. Từ đó, đại biểu Phan Văn Xựng khẳng định sự cần thiết ban hành dự án Luật này.
Để Luật PTDS tránh trùng lặp với các điều khoản của các luật đã ban hành như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường, đại biểu Phan Văn Xựng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại.
Đồng tình với sự cần thiết và yêu cầu xây dựng chiến lược quốc gia về PTDS (Điều 10), đại biểu Phan Văn Sự nêu rõ, chiến lược quốc gia về PTDS là phương châm, biện pháp để phòng chống chiến tranh, phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân cũng như cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Để chiến lược quốc gia về PTDS đáp ứng yêu cầu của Luật PTDS, đại biểu cho rằng, việc hoạch định chiếc lược PTDS là cần thiết, phải có tầm nhìn xa trông rộng, nhận diện rõ bối cảnh cũng như vấn đề thực trạng, nhất là xu hướng vận động và phát triển tình hình có liên quan.
>>5 “chiêu trò” lách luật phổ biến trong đấu thầu
>>Tiếp tục xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn
Bởi vì chiến lược nói chung và chiến lược PTDS có tầm ảnh hưởng rộng, tổng thể, lâu dài đến quá trình phòng thủ đất nước. Do đó, dự thảo Luật xác định chu kỳ chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến 20 năm, thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 5 năm, hoặc đột xuất khi có thảm họa khẩn cấp hoặc bùng nổ chiến tranh, đại biểu cho rằng, xác định thời gian như vậy là phù hợp, có tính dự báo.
Đại biểu Phan Văn Xựng cho biết, dự thảo Luật cũng xác định chiến lược quốc gia về PTDS dựa trên cơ sở về lý luận như sự kế thừa các quan điểm, chủ trương của Đảng về PTDS như Nghị quyết 28 của BCH Trung ương về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, mới đây nhất là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về PTDS.
Trên cơ sở thực tiễn, Chính phủ cũng đã tổng kết các cấp về công tác phòng chống chiến tranh, thảm họa, sự cố, nghiên cứu về tình hình thế giới cũng như dự báo những vấn đề trong thời gian tới. Như vậy, tính kế hoạch và xây dựng chiến lược của dự án Luật PTDS đã dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn rõ ràng.
Liên quan đến tầm quan trọng và trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS, đại biểu Phan Văn Xựng cho rằng, PTDS là nội dung trong chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, là trọng yếu và thường xuyên và là nhiệm vụ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ.
PTDS phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của quốc gia, sự hợp tác quốc tế, do vậy cần có sự điều chỉnh của luật, phải quản lý nhà nước để điều hành hiệu quả khi xảy ra các sự cố, thảm họa.
Về nội dung quản lý nhà nước về PTDS, nội dung được thể hiện rõ ở 12 điểm tại khoản 1 của Điều 48, giống như quản lý nhà nước trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác như công tác lãnh đạo, tổ chức hoạt động, đào tạo, tập huấn, diễn tập, huy động nhân lực, trang thiết bị cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác thanh tra, công tác kiểm tra… thực hiện các bước chặt chẽ.
Đại biểu nhận thấy, trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS đã được quy định rõ trong dự thảo Luật. Dự án luật này cũng nhằm chuẩn bị trước một bước để khi có thảm họa, sự cố thì chúng ta chủ động trong ứng phó, giảm bớt thiệt hại, tổn thất đối với người dân và đất nước.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 01/11/2022
03:30, 23/10/2022
03:02, 22/10/2022
17:27, 21/10/2022
10:00, 21/10/2022