Nhờ sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan.
Mặc dù vậy, DCM vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặt biệt là biến động giá nguyên liệu đầu vào, biến đổi khí hậu,…
Lũy kế 11 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất urê của DCM đạt hơn 870,08 nghìn tấn, so với mục tiêu 892 nghìn tấn trong năm 2024. Theo đó, sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 810 nghìn tấn, vượt kế hoạch cả năm (748 ngàn tấn). Đạm chức năng ước đạt 92 nghìn tấn, cao hơn năm trước 26%, thực hiện gần 84% kế hoạch. Sản phẩm phân NPK ước đạt 156 nghìn tấn, đạt 87% kế hoạch. Mảng phân bón tự doanh ước 253 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ 38%, vượt kế hoạch năm 2%.
Đại diện DCM cho biết, năm 2024 doanh nghiệp này ước đạt doanh thu gần 13 nghìn tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch đề ra.
Trong năm 2025, DCM đặt mục tiêu doanh thu hơn 13,2 nghìn tỷ đồng; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 853 tỷ đồng và 764 tỷ đồng. So với kết quả dự kiến năm 2024, doanh thu của DCM tăng nhẹ 2%, và lợi nhuận sau thuế giảm 25%.
Về chỉ tiêu sản lượng, DCM đặt chỉ tiêu sản xuất 910 nghìn tấn urê quy đổi, trong đó 120 nghìn tấn đạm chức năng; sản xuất 340 nghìn tấn NPK, với 220 nghìn tấn do nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất; còn lại là do nhà máy Hàn-Việt (KVF) thực hiện.
DCM đặt mục tiêu 759 nghìn tấn urê, 120 nghìn tấn đạm chức năng; tiêu thụ hết NPK sản xuất; và 280 nghìn tấn phân bón tự doanh.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ DCM tăng trưởng bền vững qua các năm nhờ cách sử dụng vốn vay hiệu quả. Trong giai đoạn 2018 – 2024, DCM sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính giảm dần qua các năm (giảm từ 43,14% năm 2018 xuống 0,03% năm 2024), sau khi doanh nghiệp tất toán toàn bộ khoản nợ vay dài hạn để thực hiện dự án nhà máy Đạm Cà Mau và dự án nhà máy sản xuất phân NPK.
Tính đến hết quý 3/2024, DCM vay dài hạn 132,8 tỷ đồng; vay ngắn hạn 1.493,7 tỷ đồng, tổng nợ vay 1.626,4 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với đầu năm) để thanh toán tiền khí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tài trợ cho các dự án trong năm 2024.
Phân tích về việc sử dụng đòn bẩy tài chính của DCM, các chuyên gia của của SHS, cho rằng DCM là doanh nghiệp trong ngành phân bón biết cách sử dụng vốn vay hiệu quả nhất cho các dự án của doanh nghiệp. Điều này có thể tiếp tục dẫn tới doanh thu và lợi nhuận của doạnh nghiệp tiếp tục tăng trưởng.
Dù DCM có triển vọng kinh doanh tích cực, nhưng vẫn đang đối mặt với một số rủi ro trong thời gian tới.
Thứ nhất, xu hướng sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ càng ngày càng trở nên phổ biến, thay cho phân bón hóa học.
Thứ hai, tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm gián đoạn thời gian trồng trọt, giảm năng suất nông nghiệp, dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng phân bón.
Thứ ba, những xung đột chính trị có thể ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung và cầu của thị trường trong trung hạn và dài hạn.
Thứ tư, Trung Quốc kiểm soát hạn ngạch xuất khẩu phân bón, nhưng có thể thay đổi, gây sức ép lên nguồn cung thế giới.
Thứ năm, tiêu thụ phân bón bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như biến động tỷ giá, chí phí vận chuyển, lãi suất cao,...
1.000 tỷ đồng là lãi sau thuế dự kiến của DCM năm 2024, vượt 28% so với kế hoạch mà DCM đề ra.