Việc giữ vững “ngôi vương” lợi nhuận và sở hữu câu chuyện riêng sẽ tạo lực đẩy cho cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB).
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) cũng là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp, dự phòng bao rủi ro cao, trong khi đó vẫn chia sẻ nguồn lực hỗ trợ cho các bên.
Theo công bố thông tin báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý IV/2024, VCB ghi nhận lợi nhuận ở cột mốc kỷ lục mới trong năm 2024, ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn ngành. Năm 2024, VCB đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. VCB cũng duy trì nợ xấu thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT VCB cho biết nhờ thực hiện các giải pháp căn cơ tăng thu nhập và tiết giảm chi phí, VCB giữ vững ngôi số 1 về quy mô lợi nhuận với cơ cấu nguồn thu đa dạng. Như vậy, trừ năm 2022 “ngôi vương” lợi nhuận ngân hàng về tay VPBank do nhà băng này hạch toán thu nhập từ thương vụ bán vốn FeCredit cho đối tác ngoại, trong nhiều năm gần đây, bất chấp đại dịch COVID-19, hay khủng hoảng thị trường, VCB đều giữ được “ngôi vương” lợi nhuận ngành.
Tuy lợi nhuận cao, song mức tăng trưởng của VCB trong năm 2024 khá khiêm tốn, chỉ hơn 2,4%. Dù vậy, so với kế hoạch năm 2024, VCB đã vượt mọi kế hoạch chỉ tiêu tổng tài sản (KH: 8%), tín dụng (KH: 12%), tỷ lệ nợ xấu (KH: < 1,5%).
Kết quả này được đánh giá là vô cùng tích cực trong bối cảnh năm 2024 ngành ngân hàng có sự phân hóa sâu về lợi nhuận, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) giữ được quy mô lợi nhuận nhờ “bào” bớt trích lập dự phòng, đẩy mạnh mở rộng dư nợ, chấp nhận tỷ lệ nợ các nhóm 2 - 4, tiềm ẩn rủi ro, trở thành nợ xấu tăng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh năm 2024 ấn tượng, năm qua, VCB cũng là một ngân hàng tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và theo chủ trương hỗ trợ sau bão Yagi. Tuy nhiên, tác động chất lượng dư nợ cho vay tại địa bàn có khách hàng thiệt hại do bão Yagi của VCB, theo đánh giá của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Maybank, là không đáng kể do tỷ trọng cho vay trên tổng dư nợ quá nhỏ. Hơn nữa, VCB luôn là ngân hàng có kinh nghiệm trong đảm bảo chất lượng tài chính với bộ đệm dự phòng dày dặn.
Câu chuyện đáng chú ý nhất tại VCB có thể chi phối bức tranh của ngân hàng năm 2024, là sự nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng CB diễn ra vào cuối 2024. Đây là câu chuyện được nhận định mang đến lợi thế cho VCB do CB (sau chuyển giao đã được đổi tên VCB NEO) sẽ là ngân hàng con hạch toán riêng, không tính vào báo cáo tài chính hợp nhất của VCN.
Trong khi đó, phía VCB lẫn VCBNEO sẽ được NHNN có những chính sách hỗ trợ, như hỗ trợ cho ngân hàng nhận chuyển giao. Do đó, kỳ vọng room tín dụng của VCB tiếp tục nới rộng trên dư địa vốn đã được Quốc hội cho phép tăng, và vào 24/1/2025, VCB đã công bố thông tin về việc NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, hứa hẹn một quy mô lợi nhuận của VCB sẽ “bùng nổ” hơn.
“Việc nâng vốn điều lệ lên mức 83.600 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống TCTD, khẳng định vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ”, một chuyên gia đánh giá.
Theo quan điểm của KBSV, trong năm 2025, VCB cũng sẽ gặp áp lực, chủ yếu là biên lãi ròng (NIM) có thể giảm do: (1) Áp lực lên chi phí đầu vào gia tăng do các rủi ro về tỷ giá và thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng huy động thấp; (2) Nền lãi suất cho vay dự kiến vẫn duy trì mức thấp để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu của VCB cho năm 2025 là 107.500VND/cp, cao hơn 17,8% so với giá tại ngày 25/11/2024. Hiện nay, thị giá VCB ở phiên giao dịch sau Tết Âm lịch (ngày 3/2) cũng đang ở vùng tương đương giá cách đây khoảng 2 tháng (91.700đ/cp), cho thấy những câu chuyện riêng chưa thực sự được phản ánh đủ vào giá cổ phiếu VCB. Đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư khi xem xét ngành ngân hàng, chờ ngày “cổ phiếu vua” dẫn dắt thị trường bứt phá.