Để phục vụ việc tổ chức SEA Games 31, Tổng cục Đường bộ dự kiến lùi thời điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội Hải Phòng.
>>>“Tối hậu thư” thu phí không dừng: “Tăng tốc” bằng cách nào?
>>>“Tối hậu thư” thu phí không dừng: Tìm “lối thoát” cho doanh nghiệp
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời điểm áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ được lùi đến đầu tháng 6 này thay vì triển khai như kế hoạch ban đầu từ ngày 5/5.
Lý do được phía Tổng cục Đường bộ đưa ra là do SEA Games 31 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 5-23/5/2022 và để bảo đảm nhu cầu tham gia giao thông, trật tự an toàn giao thông trong thời gian diễn ra SEA Games 31 nên thời điểm áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ được lùi đến đầu tháng Sáu tới.
Bên cạnh đó, việc lùi thời điểm áp dụng đến tháng 6 cũng phù hợp với báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT cho biết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức thí điểm chỉ thu phí ETC trong tháng 6. Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến tháng 6 có tối thiểu 90% ô tô đang lưu hành trên cả nước được dán thẻ ETC.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đã chủ động tổ chức, phối hợp cùng đơn vị quản lý tuyến đường là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) rà soát, kiểm tra hiện trường tổ chức giao thông khu vực các trạm thu phí trên tuyến.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo VIDIFI lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ phương án tổ chức giao thông phục vụ công tác thí điểm trình Tổng cục xem xét, thoả thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.
Việc tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông bảo đảm tối thiểu ba tháng trước khi thực hiện theo đúng chỉ đạo. Tổng cục Đường bộ sẽ tăng cường công tác phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong công tác tuyền thông, phát hành sổ tay hướng dẫn cho chủ phương tiện về thu phí điện tử không dừng để tăng cao tỷ lệ dán thẻ cũng như sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để chuẩn bị cho giai đoạn thí điểm.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đã đề nghị Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Tổng cục và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc rà soát hệ thống biển báo, phương án tổ chức giao thông; bảo đảm trật tự an, toàn giao thông, xử lý các vi phạm xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ và một số công việc khác liên quan trong thời gian thí điểm.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, hiện tại, tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng tại các tỉnh, thành phố, tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65% (tăng khoảng 10% so với tháng trước đó).
Tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên tuyến đạt 50% trên tổng lưu lượng xe (thời điểm tháng 3/2022) tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời thống nhất với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, thời điểm dự kiến từ 5/5/2022.
Quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ tổ chức đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Đại điện lãnh đạo - Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết: Đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua địa bàn bốn tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, được khởi công từ tháng 5/2008. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Từ ngày 11/8/2020 Đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thực hiện thu thí điểm phí tự động không dừng (ETC).
Việc sử dụng thu phí bằng hình thức này là minh bạch tài chính, hạn chế giao dịch tiền mặt tại các trạm thu phí BOT; giảm thiểu thời gian chờ đợi khi lưu thông tại qua trạm thu phí; hạn chế lây lan dịch COVID vì không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên thu vé. Mặc dù đã được tuyên truyền tuy nhiên nhiều doanh nghiệp và người dân chưa “mặn mà” với việc nạp tiền vào thẻ giao thông. Tính từ đầu năm đến nay có trên 50% phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Cụ thể tháng 1 lưu lượng sử dụng ETC 16.567 đạt 42,90%; tháng 2 16.284 đạt 45,36%; tháng 3 16.829 đạt 49,58%. Từ đầu tháng 4 đến hết ngày 17/4 đạt 52.94%.
Về phía VIDIFI đã chuẩn bị hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại có thể đáp ứng từ 90-100% lượng xe trên đường cao tốc sử dụng thu phí ETC.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.
Tại Công văn số 2173/VPCP-CN ngày 8/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.
Có thể bạn quan tâm