Trạm thu phí Bến Thuỷ I nhận nhiều ý kiến trái chiều khi không giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các địa phương vừa sáp nhập vào TP Vinh, Nghệ An.
Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất không thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Bến Thủy I đối với các phương tiện chủ sở hữu có nơi thường trú; các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại 11 phường, xã vừa mới sáp nhập vào TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều người dân ở các địa phương trên lại bày tỏ quan điểm không đồng tình vì cho rằng có sự mất bình đẳng khi cùng thường trú trên một địa bàn?!.
Kiến nghị miễn, giảm phí
Cầu Bến Thủy I bắc qua sông Lam, nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở phía Bắc cầu đặt Trạm thu phí Bến Thủy I do Tập đoàn Cienco 4 quản lý, khai thác. Trạm thu phí này hoàn vốn cho Dự án tuyến tránh TP Vinh và Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn nam cầu Bến Thủy - Tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT.
Năm 2017, trên cơ sở nắm bắt ý kiến của người dân, cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã thống nhất giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí Bến Thủy I với chủ sở hữu xe có hộ khẩu thường trú, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và TX Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Chuyện sẽ không có gì phải bàn khi thời gian gần đây, dư luận địa phương bắt đầu “dậy sóng” xoay quanh vấn đề miễn, giảm phí qua cầu Bến Thuỷ I đối với các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính, người dân thường trú tại 7 phường thuộc TX Cửa Lò (cũ) và 4 xã Nghi Thái, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc khi chính thức sáp nhập vào TP Vinh.
Cụ thể, nhiều chủ phương tiện ở các địa phương sáp nhập vào TP Vinh khi đến làm thủ tục xin miễn phí vé qua cầu Bến Thủy I, tuy nhiên không được cơ quan chủ quản chấp nhận. Trong khi đó, giá vé các phương tiện khi qua Trạm thu phí Bến Thủy I và Bến Thủy II hiện nay có mức từ 46.000 - 196.000 đồng/lượt, tùy theo từng loại phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – đại diện một doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại xã Nghi Thái, TP Vinh cho hay: Công ty chúng tôi chuyên phân phối các mặt hàng điện tử gia dụng, máy lọc nước trong khu vực Bắc Trung Bộ nên thường xuyên di chuyển qua lại tại cầu Bến Thuỷ I. Do vậy, chúng tôi mong muốn được hưởng quyền lợi như các phường, xã của TP Vinh (cũ), huyện Hưng Nguyên để giảm bớt chi phí cho công ty và có sức cạnh tranh với các đơn vị khác trong vùng.
Đồng quan điểm trên, bà Phan Thị Quỳnh Anh (33 tuổi), trú xã Nghi Thái, hiện đang làm việc tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nói: Mỗi ngày, tôi đều đi làm và về nhà qua Trạm thu phí Bến Thuỷ I. Tôi kiến nghị cơ quan chức năng và chủ đầu tư thực hiện chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với các phương tiện có chủ sở hữu thường trú tại các địa phương vừa sáp nhập vào TP Vinh để đảm bảo tính công bằng.
Quan điểm của chủ đầu tư
Liên quan vấn đề này, Tập đoàn Cienco 4 – đơn vị chủ đầu tư đã có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị không giảm giá vé qua Trạm thu phí Bến Thủy I đối với 7 phường và 4 xã mới sáp nhập vào TP Vinh. Doanh nghiệp này lý giải, việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho 11 phường, xã này sẽ làm giảm nguồn thu, dẫn đến phương án tài chính của dự án BOT không đảm bảo, doanh nghiệp dự án mất cân đối tài chính.
Theo thống kê của Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (doanh nghiệp dự án), tính đến ngày 30/11/2024, đơn vị đã cấp thẻ giảm giá cho 71.776 phương tiện, tổng doanh số giảm giá dịch vụ phí đường bộ qua cầu Bến Thủy I của các phương tiện được giảm là 922.092 triệu đồng, bằng 37,64% tổng doanh số giảm giá dịch vụ phí đường bộ thực tế thu được cùng kỳ.
Mặt khác, các địa phương mới sáp nhập về TP Vinh không thuộc địa bàn được nêu trong Công văn số 3924 của Bộ Giao thông vận tải về việc giảm giá khi lưu thông qua cầu. Việc các địa bàn này sáp nhập vào TP Vinh không làm thay đổi khoảng cách địa lý so với Trạm Bến Thủy I nên không có cơ sở để thực hiện giảm giá dịch vụ phí đường bộ.
Đơn cử, xã gần nhất của huyện Nghi Lộc sáp nhập về TP Vinh là Nghi Thái cách Trạm thu phí Bến Thủy I là 5,5km, trong khi TX Cửa Lò cách 11,5km; cách khoảng cách này so với khoảng cách mà Bộ Giao thông vận tải quy định tại Văn bản số 11519 ngày 11/10/2017 là chưa đáp ứng điều kiện để được cấp giảm giá dịch vụ phí đường bộ (phạm vi giảm giá đối với các phương tiện có bán kính 5km xung quanh trạm và xem xét phạm vi 10km quanh trạm đối với các dự án có tính chất đặc biệt).
Tập đoàn Cienco 4 cũng cho rằng, các chủ phương tiện tại 7 phường và 4 xã nói trên có thể lựa chọn phương án lưu thông qua cầu Cửa Hội với cự ly gần, thuận tiện mà không mất phí do công trình này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Ngày 17/1/2025, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam đã ký Công văn số 372/CĐBVN-TC gửi UBND 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Tập đoàn Cienco 4 về việc ý kiến giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Bến Thủy I. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất không thực hiện giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Bến Thủy I với các phương tiện chủ sở hữu có nơi thường trú; các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại 7 phường và 4 xã mới sáp nhập vào TP Vinh.
Được biết, đơn vị chủ đầu tư sẽ tiếp tục thu phí hoàn vốn đầu tư tại các Trạm thu phí Bến Thủy I và II. Thời gian thu phí dự kiến Trạm thu phí Bến Thủy I và II là hơn 29 năm, kể từ thời điểm thu năm 2005. Thời gian thu phí còn lại dự kiến còn hơn 10 năm.