Thiền chú tâm vào hơi thở là phương pháp tập luyện rất thích hợp ở bất kỳ nơi nào, khi bạn đang khỏe mạnh hay đang yếu mệt để nâng cao miễn dịch phòng chống Covid-19.
Phương pháp này đang được thực hiện tại các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như ung thư...
Đây là phương pháp tập trung vào điều thân để an tâm. Phương pháp này tương tự như yoga và có ích cho sức khỏe, giúp nâng cao hệ miễn dịch. Nó cũng cho phép bạn hít thở sâu và đưa vào cơ thể một lượng không khí đáng kể. Nếu căng thẳng, lo lắng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực cho cơ thể, làm suy giảm miễn dịch cơ thể thì cũng tương tự tâm bình an, cân bằng sẽ có những hiệu quả tích cực đến hệ miễn dịch và sức khỏe.
Hiện nay, phương pháp thiền chú tâm vào hơi thở đã được áp dụng rộng rãi tại các trường học từ cấp tiểu học nhiều nơi trên thế giới như Úc, Canada, New Zealand; tại các bệnh viện đặc biệt là các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như ung thư...
Hãy thở nhẹ nhàng, thong thả và học cách đối xử từ tốn với bản thân. Tập trung vào giây phút hiện tại, tức là đưa tâm trí của ta “về nhà”, xa rời những rong ruổi trong các lo lắng thường ngày.
Chuẩn bị: Chọn không gian mở, thoáng nếu ở ngoài trời. Hoặc có thể trong phòng làm việc giờ nghỉ trưa, phòng đọc sách, phòng khách hay thậm chí là phòng sinh hoạt của gia đình.
Tư thế tập thở: Có 7 tiêu chí cần áp dụng để chuẩn bị cho việc tập thở của bạn đạt kết quả tốt nhất: Ngồi khoanh chân xếp bằng trên sàn nhà, hoặc ngồi trên ghế chân đặt vuông góc với sàn nhà. Giữ cho lưng thẳng. Vai để xuôi tự nhiên. Cổ hơi cúi về phía trước. Mắt mở và hơi nhìn xuống khoảng không chừng 1m ở phía trước. Miệng hơi mở, đầu lưỡi chạm vào vòm miệng. 2 tay để nhẹ trên hai đầu gối, lòng bàn tay ngửa.
Thực hiện: Trong khi tập thở, hãy giữ cho lưng bạn luôn thẳng và làm theo trình tự sau đây:
1. Dùng một ngón tay bịt nhẹ lỗ mũi phải và hít vào bằng lỗ mũi trái một hơi dài và sâu.
2. Khi hít vào phình bụng, hình dung không khí đi vào một cái “túi” chính là bụng (đan điền) – Giữ hơi thở lại trong vài giây.
3. Dùng một ngón tay bịt nhẹ lỗ mũi trái và thở ra qua lỗ mũi phải.
4. Tiếp đến, hít vào bằng lỗ mũi phải, bịt lỗ mũi trái. Giữ hơi thở lại một lát và thở ra qua lỗ mũi trái.
5. Tiếp theo, nhẹ nhàng hít vào bằng cả hai lỗ mũi cùng lúc. Thở mạnh hắt ra để đẩy không khí ra ngoài càng nhiều càng tốt.
Lưu ý: Khi đang nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp, bạn hoàn toàn có thể vừa đeo khẩu trang vừa tập thở để tránh lây nhiễm cho môi trường xung quanh.
Thiền chú tâm vào hơi thở: Khi thực hành tập thở, bạn có thể kết hợp với thiền một cách hiệu quả.
1. Bắt đầu thở ra một hơi dài qua cả hai lỗ mũi, hình dung mọi lo lắng, giận dữ, buồn chán, căng thẳng và thất vọng theo hơi thở đi ra ngoài dưới dạng một làn khói đen.
2. Dùng một ngón tay bịt bên mũi trái, hít vào thật sâu bằng bên mũi phải và giữ hơi thở lại nơi bụng (đan điền) trong vài giây – hình dung những điều tích cực, vui vẻ, hạnh phúc, bình an đi vào cơ thể bạn dưới hình thức luồng ánh sáng trắng.
3. Sau đó, bịt bên mũi phải, thở ra bằng bên mũi trái, đồng thời hình dung tất cả những năng lượng tiêu cực (lo lắng, buồn chán, thất vọng…) theo đó đi ra ngoài trong hình thức làn khói đen.
4. Một lần nữa hít vào bằng lỗ mũi trái tất cả những gì tích cực dưới hình thức luồng ánh sáng trắng.
5. Bịt bên mũi trái và thở ra qua lỗ mũi phải toàn bộ tư tưởng tiêu cực trong hình thức làn khói đen.
6. Hít thật sâu bằng cả hai lỗ mũi toàn bộ những tư tưởng tích cực tốt đẹp trong hình thức luồng ánh sáng trắng đi vào cơ thể.
7. Thở mạnh ra qua hai lỗ mũi để đẩy toàn bộ những tư tưởng tiêu cực ra ngoài trong hình thức làn khói đen.
Khi mới tập, bạn có thể thực hành bài thiền này 3 lần trong mỗi buổi, sau đó khi đã quen có thể tăng dần. Phương pháp này giúp bạn an tĩnh và việc thực hành sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn thực hành thường xuyên, liên tục. Ban đầu, có thể chỉ được vài phút nhưng khi được luyện tập hàng ngày, cảm giác bình an, tĩnh lặng sẽ đến với bạn. Khi tâm an, thân sẽ an.
TS.BS Nguyễn Thanh Hà (Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Phổi T.Ư)