Nếu không thay máu, không bơm máu mới vào, thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ, hoặc tệ hơn là thụt lùi.
Đầu năm thường là mùa các doanh nghiệp tập trung vào công tác nhân sự nên tôi xin chia sẻ lý do cần thiết phải luân chuyển nhân sự.
Chúng ta biết rằng với bất kỳ người nào mà nếu cứ làm đi làm lại một việc qua năm này năm nọ, thì sau một thời gian, anh ta sẽ trở nên quá quen thuộc với công việc, từ đó trở nên chủ quan và mất dần năng lực tìm tòi, sáng tạo.
Sự hiện diện của anh ta đôi khi còn là vật cản của năng lực sáng tạo của tổ chức, bởi tính ích kỷ, bởi cái tôi của anh ta. Anh ta ngáng đường các nhân tố mới, những tài năng trẻ, không có cơ hội phát huy.
Một người có giỏi bao nhiêu thì sau một thời gian cống hiến, anh ta cũng sẽ rơi vào tình trạng "hết ý tưởng". Những gì hay nhất mà bản thân anh ta có được thì anh ta đã thể hiện hết trong vài năm đầu rồi. Sau đó chỉ là sự lập lại và duy trì cái cũ, hoặc cải tiến tí đỉnh chứ không còn yếu tố đột phá.
Những nỗ lực phấn đấu, tính máu lửa, khao khát chinh phục đỉnh cao sẽ giảm dần, thay vào đó, anh ta phát huy kinh nghiệm lão làng để đối phó với cấp trên.
Vậy nếu không thay máu, không bơm máu mới vào, thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng "status quo", dậm chân tại chỗ, hoặc tệ hơn là thụt lùi.
Lý do doanh nghiệp cần luân chuyển nhân sự
Với những người có năng lực và muốn cống hiến, thì cơ hội thăng tiến là động lực làm việc chính của họ. Vậy nếu nhắm trong công ty không có cơ hội thì họ sẽ tìm cơ hội thăng tiến ở bên ngoài.
Một số sếp có tư duy ích kỷ, hạn hẹp, cho anh nào làm tốt một việc thì cứ giữ hoài ở chỗ đó, chứ không chịu để cho đi chỗ khác. Mỗi lần nhân viên đề đạt nguyện vọng thuyên chuyển thì lên lương một tí để giữ lại.
Tôi cho rằng đây chính là nguyên nhân vì sao người tài giỏi ra đi.
Người làm một chỗ lâu, nhất là cấp quản lý thì thường phát sinh quan hệ mật thiết, gắn bó lợi ích với nhân viên và với khách hàng, đối tác. Một số người còn tìm cách đưa người nhà, người thân tín vào đội mình để phục vụ cho những ý đồ không minh bạch.
Và đây chính là môi trường lý tưởng để những tiêu cực phát sinh trong công ty.
Nên nhớ: Không một công cụ quản lý nào có thể kiểm soát được nếu người quản lý thông đồng với nhân viên làm chuyện tiêu cực.
Đây cũng là một phần trong những nội dung về "Mô hình quản lý mới" mà tôi định chia sẻ qua một kênh truyền hình.
Tôi cho rằng, để thích nghi với tình hình mới, khi mà mọi thứ diễn ra ngày càng nhanh hơn, thì doanh nghiệp cần một mô hình quản lý tinh gọn và nhanh nhạy để có thể nhanh chóng thích nghi và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Tôi gọi mô hình này là Agile Strategic Management.
Với mô hình quản lý này, doanh nghiệp cần những con người có kiến thức rộng hơn, nhiều kỹ năng hơn, để có thể quán xuyến được một chuỗi công việc, chứ không chỉ một lĩnh vực cụ thể.
Chẳng hạn, người làm kế toán, bán hàng, sản xuất, marketing đều cần phải có kỹ năng IT để có thể triển khai, chỉnh sửa (thậm chí là có năng lực lập trình!) các ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh mình phụ trách.
Các bạn kinh doanh, sản xuất thì phải có kiến thức về tài chính để tự hạch toán và chịu trách nhiệm về lãi lỗ.
Tương tự đối với các bạn marketing thì phải tính được marketing ROI...
Tóm lại là ngoại trừ một số công việc đặc biệt (thường là thuần kỹ thuật), còn thì các vị trí quản lý cần phải biết nhiều hơn, có năng lực quản lý đa dạng hơn thì mới "agile" (phản ứng nhanh) được.
*CEO công ty tư vấn Tinh hoa quản trị