Make in Viet Nam tìm “chỗ đứng”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 04/07/2022 00:25

Tăng hàm lượng công nghệ vào các sản phẩm Make in Viet Nam là yêu cầu để Việt Nam tìm “chỗ đứng” trên bản đồ công nghệ số thế giới.

>>>Make in Viet Nam 2022: Hàng trăm ngàn doanh nghiệp mong chờ sản phẩm công nghệ số

DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) về nội dung này.

- Ông đánh giá như thế nào về sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Những năm gần đây, các sản phẩm của Make in Viet Nam đã được nâng cao. Các sản phẩm của Make in Viet Nam cũng thiết thực và giải quyết được các bài toán của cuộc sống. Đặc biệt, trong năm 2021-2022 khi đại dịch Covid-19 diễn ra thì đã có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đã tham gia vào phòng, chống dịch hiệu quả.

Ví dụ, PC-Covid hay các sản phẩm giúp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… trong việc theo dõi bệnh nhân, cũng như điều phối trang thiết bị thuốc đến cơ sở y tế một cách hiệu quả.

- Chủ đề Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của những “ông lớn” công nghệ, như Samsung, Qualcomm... được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, thưa ông?

Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp FDI đầu tư chủ yếu vào các nhà máy sản xuất lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây Chính phủ đã đưa ra các quy định về đầu tư theo hướng có chọn lọc, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ.

Do đó, thời gian qua đã có một số tập đoàn lớn nước ngoài, như Samsung, Qualcomm, Intel… xây dựng các trung tâm R&D rất lớn tại Việt Nam. Đơn cử, Samsung có trung tâm tại Hà Nội với 3.000 chuyên gia, kỹ sư.
Điều này thể hiện rằng, Việt Nam đang đi lên trên bản đồ công nghệ số của thế giới. Không phải “ngẫu nhiên” họ tìm đến Việt Nam, chúng ta có những điều kiện, năng lực để các tập đoàn lớn trên thế giới khai thác.

 Giới thiệu sản phẩm Robot MISA CukCuk tại triển lãm Make in Vietnam.

Giới thiệu sản phẩm Robot MISA CukCuk tại triển lãm Make in Vietnam.

Thực tế, nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua cung cấp không chỉ về số lượng, mà chất lượng cũng đã được nâng lên. Hiện nay, Việt Nam có 158 trường đại học, trên 244 trường nghề có đào tạo về công nghệ thông tin. Hàng năm cung ứng cho khoảng 70.000 kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin, với chất lượng ngày một tốt hơn.

Ngoài ra, Việt Nam là thị trường rất lớn, tiềm năng với gần 100 triệu dân. Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang trở thành những nhà cung cấp hàng đầu về lĩnh vực phần mềm cho thị trường Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Tuy nhiên, việc các “ông lớn” thiết lập các R&D tại Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, các doanh nghiệp nội có nguy cơ rơi vào tình trạng “chảy máu chất xám” ngay trên “sân nhà”, thưa ông?

Vấn đề này đã xảy nhiều năm trước đây chứ không phải từ khi FDI vào. Bản thân các doanh nghiệp nội cũng cạnh tranh nhau về nhân lực. Tuy nhiên, khi có các doanh nghiệp FDI vào và đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu. Từ yêu cầu đòi hỏi mặt bằng nguồn nhân lực cao hơn thì các cơ sở đào tạo cũng phải đáp ứng.

Đồng thời, khi các doanh nghiệp FDI đặt trung tâm R&D tại Việt Nam, họ không thể hoạt động một cách riêng lẻ, mà phải cần đến nhà cung ứng từ các doanh nghiệp trong nước để tạo ra chuỗi giá trị. Như vậy, các doanh nghiệp nội sẽ có cơ hội mới, thị trường mới, các đối tác mới để nâng cao chất lượng, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận.

- Dường như, các doanh nghiệp Việt Nam cần chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực “đặt hàng” nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước. Để khắc phục việc liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo còn yếu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần tổ chức các hoạt động nhằm “thúc đẩy” sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động hơn, có thể thông qua các hình thức, như đặt ra các yêu cầu về đào tạo, phối hợp, xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện, cung cấp giảng viên, nhận sinh viên thực tập… chứ không chỉ “hớt váng”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI:

Theo điều tra khảo sát của VCCI về thực trạng, xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã và đang mong chờ công nghệ số hữu ích để ứng dụng được trong sản phẩm và quá trình sản xuất kinh doanh. Người dùng giờ đây đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt hơn, tiện ích hơn. Giải thưởng Công nghệ số Make in Viet Nam có vai trò quan trọng nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhờ thế sẽ được hưởng lợi.

Ông Phạm Kim Hùng, Founder & CEO Base.vn:

Chúng ta không thể đi gặp khách hàng và nói rằng: "Anh hãy mua sản phẩm của em vì sản phẩm của em là Make in Vietnam". Khách hàng có quyền lựa chọn, và chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng về mặt chất lượng. Cho nên điều khó khăn nhất, là làm thế nào chúng ta tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng một phần ba so với các sản phẩm quốc tế. Chất lượng là tiêu chí mà chúng ta không bao giờ được đánh đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Make in Viet Nam tìm “chỗ đứng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO