Mạn đàm về sự tử tế

Trương Khắc Trà 22/03/2018 05:31

Đã 30 năm trôi qua, bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy bỗng sống dậy trong lòng công chúng. Kỳ lạ, điện ảnh càng phát triển, tuổi đời của những tác phẩm càng ngắn đi. Nó giống như những con sóng xô bờ, sóng sau đè lên sóng trước rồi tan đi khi tràn lên bãi cát. Nhưng với “Chuyện tử tế” là câu chuyện khác.

“Chuyện tử tế” là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của đạo diễn Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: An Thành Đạt

Đạo diễn Trần Văn Thủy. Ảnh: An Thành Đạt

Bộ phim ra đời năm 1985 nhưng mãi đến 2 năm sau mới đến được với đông đảo khán giả sau khi có sự can thiệp của một vài người có chức trách. Tác phẩm sau đó đã giành giải “Bồ câu bạc” tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức và được nhiều đài truyền hình mua bản quyền để phát lại.

Chuyện lạ chưa từng có tiền lệ vừa xảy ra khi thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Hội An, Huế... người ta rầm rộ tổ chức nhiều buổi chiếu lại và thảo luận “Chuyện tử tế” sau 30 năm. Chưa có một bộ phim điện ảnh nào, chứ chưa nói đến một bộ phim tài liệu lại có sức sống mạnh mẽ với tính thời sự cao đến mức tạo ra cả một phong trào tự phát như thế sau hơn 3 thập kỷ đóng máy.

Sức sống mãnh liệt của bộ phim cũng là dấu hỏi tiềm tàng trong tiềm thức mỗi con người, thế nào là sự tử tế? Soi chiếu vào đời sống, câu hỏi ấy càng trở nên bức thiết. Bản chất con người thoạt đầu là một sư tử tế “bẩm sinh” vì “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Nhưng do “tha nhân” khiến “bổn thiện” phải lao mình vào mọi rắc rối. Con người là chủ thể của lịch sử nên con người cũng tạo ra đủ thứ, kể cả phá vỡ mọi sự tử tế rồi lại đi tìm kiếm sự tử tế.

Nghịch lý ở chỗ, sự tử tế luôn có sẵn nhưng không dễ để “nắm bắt” được nó. Đạo Phật chủ trương tu tập, thiền luyện để buông bỏ cốt cũng chỉ để tìm kiếm sự tử tế trong con người. Vậy rút cục lại, sự tử tế ở trong hay ngoài con người? Nếu “nhân chi sơ tính bổn thiện” cho thấy sự tử tế có sẵn, nhưng có sẵn sao lại phải đi tìm? Triết gia nào có thể trả lời.

Có lẽ, đó là cái hấp dẫn nhất mà tựa đề “Chuyện tử tế” gợi mở ra nhiều cuộc tranh luận, bàn bạc. Cũng bởi, sau 30 năm nỗ lực vươn mình đứng dậy chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ: đạo đức, văn hóa, môi trường, nhân sinh, bản thể… đang gióng lên hồi chuông báo động.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao những loại tin tức giật gân, chuyện xấu được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội? Chẳng ai quan tâm hình ảnh những chiến sỹ công an trầm mình giúp dân thu hoạch mùa màng sau cơn lũ nhưng với đoạn clip ghi cảnh công an giao thông “mãi lộ” lại có sức công phá ghê gớm!. Phải chăng sự tử tế không có sức sức lôi cuốn với thị hiếu con người? Trong khi đó sự tử tế như chất keo để tạo nên thế giới quan lành mạnh. Câu hỏi này phải dành cho các nhà tâm lý học.

Có phải vì sự tử tế, bản thân nó đã là điều đương nhiên, còn cái không tử tế mới thật sự lạ lẫm? Điều đó có vẻ đúng, lịch sử loài người đến nay chứng kiến không biết bao lần họa diệt chủng, nhưng tất cả đều “phá sản” trước sức mạnh của tiếng nói nhân văn, tiến bộ, như là đại diện cho sự tử tế.

Không hẳn nhiên mà mọi tôn giáo đều hướng thiện, lấy cái thiện để cứu rỗi loài người chứ không phải bằng tàu ngầm hạt nhân, tên lửa siêu thanh, quân đội hiếu chiến. Sự tử tế không tự nó nhân lên rồi lan tỏa ra nếu không gieo những hạt mầm thiện. Sự tử tế vẫn ở trong nhà bếp, trên giường ngủ, ngay đầu ngõ, hay ở đâu đó cả nghìn cây số bên kia đại dương…, cốt là mỗi người tự trang bị cho mình lăng kính để nhìn nhận cuộc sống.

Sự tử tế đôi lúc thật gần gũi, thân thiện, ở quanh ta chứ không đâu xa xôi trên cung trăng vũ trụ. Mỗi ngày làm một việc tốt, bớt đi những suy nghĩ xấu thế là đã góp cho đời sự tử tế. Nhưng cũng không thể không đấu tranh trực diện với cái xấu để giành không gian cho sự tử tế sinh sôi nảy nở.

Sự tử tế là một “siêu phạm trù” có tính lịch sử cụ thể. Nhưng chỉ cần mỗi người tự ý thức được ngay chính trong gia đình mình, với bạn bè phải làm sao cho tử tế thì tự khắc sẽ có một xã hội tử tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mạn đàm về sự tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO