Gapo hi vọng sẽ cán mốc 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021. Liệu đây có phải là tham vọng quá lớn của Gapo, nhất là khi lượng người dùng Facebook, YouTube là rất lớn?
Mới đây, ngay khi mới xuất hiện, "Mạng xã hội dành cho giới trẻ" Gapo đã đặt mục têu sẽ có 3 triệu người dùng vào tháng 1/2020 trước khi cán mốc 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021.
Để đạt mục tiêu nêu trên, Gapo cho biết đã đưa ra rất nhiều “chiêu” nhằm thu hút người dùng. Có thể kể đến đó là tính năng viết blog, trang trí bài viết, có team kiểm duyệt, lọc tin xấu dựa trên report người dùng bên cạnh những tính năng cơ bản như đăng tải bài viết, chia sẻ video, kết nối, giao lưu trực tuyến, livestream.
Bên cạnh đó, ông Chu Đức Minh - Giám đốc Công nghệ Gapo cho biết: “Trong tương lai, mạng xã hội Gapo sẽ dùng AI và machine learning để tự động kiểm duyệt cả văn bản, video và hình ảnh”.
Bên cạnh đó, mạng xã hội này còn có chính sách chia sẻ doanh thu với người sử dụng khi người dùng chia sẻ bài viết hay được nhiều người quan tâm thì sẽ được trả tiền cho nội dung họ đăng tải.
Được biết, Gapo ngay tại buổi ra mắt đã nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư đầu tiên này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn một của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng.
Ngoài ra, Gapo cũng ký kết hợp tác chiến lược với Sony Music Entertainment Việt Nam để được sử dụng sản phẩm âm nhạc trong các dự án sắp tới của nghệ sĩ Việt Nam do Sony Music Entertainment Việt Nam sở hữu thông qua các nhà sáng tạo nội dung, trên cả hai nền tảng web và app.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 08/04/2019
01:48, 17/03/2019
06:35, 03/04/2019
Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi chưa đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi ra mắt, người dùng Gapo đã không thể truy cập mạng xã hội này. Nhà phát triển Gapo đã phải tạm dừng hệ thống để sửa lỗi. Theo phản ánh từ người dùng, họ gặp các lỗi như không thay được ảnh, không truy cập được, mất quá nhiều thời gian tạo tài khoản...
Trước đó, chia sẻ tại lễ ra mắt, ông Hà Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Gapo từng cho biết mạng xã hội này chỉ mất 3 tháng phát triển (từ tháng 4/2019). Do vậy, không ít người đã đặt câu hỏi về độ sẵn sàng của Gapo khi chính thức ra mắt thị trường.
Không chỉ trục trặc về kỹ thuật, nhiều người còn e ngại về chính sách chia sẻ doanh thu với người dùng - chính sách được xem là cốt lõi thu hút người dùng của Gapo. Bản thân lãnh đạo của mạng xã hội này cho biết, chính sách chia sẻ doanh thu còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và sẽ công bố vào thời điểm thích hợp.
Sự ra đời của "Mạng xã hội Made in Việt Nam" được phát triển bởi người Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng với người dùng trong nước. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự ra đời của những "tay chơi" mới sẽ gặp không ít thách thức.
Hiện nay lượng người dùng ba mạng xã hội lớn là Facebook, YouTube và Instagram ở Việt Nam là không hề nhỏ, tính riêng Facebook đã là khoảng 64 triệu tài khoản. Việc thay đổi thói quen của người dùng để 50 triệu tài khoản trong giai đoạn đầu của Gapo là hết sức tham vọng. Không dễ để thay đổi thói quen của người dùng nhất là khi Gapo lại là một mạng xã hội “sinh sau đẻ muộn” và hiện người dùng hiện đã có một hệ thống liên lạc bạn bè trực tuyến nhất định, tạo ra một môi trường online kết nối khá tin cậy.
Đấy là chưa kể theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong năm nay Việt Nam sẽ còn 4 mạng xã hội mới đều do doanh nghiệp tư nhân xây dựng ra đời, tăng mức độ cạnh tranh đáng kể cho Gapo.