Tham vọng chiếm lĩnh từ 10 - 50% thị trường thịt trị giá 10 tỷ USD trong 3 năm tới là thách thức không nhỏ đối với Masan Meat Life (MML), dù doanh nghiệp này có nhiều ưu thế hơn so với các đối thủ.
MML tiền thân là Công ty TNHH MTV Hoa Kim Ngân. Tháng 4/2015, Masan mua lại doanh nghiệp này và đổi tên thành Masan Nutri-Science. Đến tháng 7/2019, doanh nghiệp này đổi tên thành Masan MEATLife.
Trước khi có sự ra đời và phát triển nhanh chóng của MML, thị trường đạm động vật Việt Nam (chăn nuôi, không bao gồm thủy sản) có 2 doanh nghiệp lớn đứng đầu, là CP Việt Nam và Vissan.
CP Việt Nam là công ty con của CP Group, một trong những tập đoàn tư nhân Thái Lan lớn nhất Châu Á. CP Group cũng chính là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới và đang bám sát MML ở vị trí thứ 2 tại Việt Nam. Năm 2018, CP Việt Nam ghi nhận doanh thu 57.000 đồng, tương đương 2 tỷ USD với đóng góp lớn nhất từ thịt heo và thịt gà (lên tới 47.000 tỷ đồng). CP Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn thu kinh doanh giết mổ thịt hơi và gần như bỏ ngỏ mảng thực phẩm chế biến (có tỷ trọng doanh thu chỉ 4%). Cùng với đó, lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của CP Việt Nam là chưa có chuỗi phân phối lớn tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
14:48, 08/12/2019
06:22, 07/12/2019
11:01, 05/12/2019
04:00, 05/12/2019
17:00, 04/12/2019
14:00, 04/12/2019
13:59, 03/12/2019
So với CP Việt Nam hay Dabaco, Vissan khiêm tốn hơn về quy mô, nhưng có thương hiệu lâu đời hơn. Những năm gần đây, Vissan phát triển cả mảng bán lẻ với cửa hàng riêng, bên cạnh các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, mini mart… Ở góc độ doanh thu, Vissan cũng tương đối khiêm tốn nếu so với tốc độ tăng trưởng của MML. Đặc biệt với Vissan, bản thân Masan cũng có cổ phần tại doanh nghiệp này, nên bức tranh phân định cơ hội và thách thức của MML xem là khá rõ.
Trong miếng bánh thị phần 10 tỷ USD, rõ ràng nếu “bước qua” CP Việt Nam, cơ hội của MML sẽ là 8 tỷ USD còn lại. Tất nhiên cần phải tính toán rằng các doanh nghiệp dẫn đầu này cũng không dừng lại, chưa kể thị trường còn có thêm nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, cuộc đua tranh thị phần sẽ rất quyết liệt.
Ngay khi khởi đầu, MML đã chọn thế đứng khác biệt so với CP Việt Nam hay Vissan. Đó là vị thế của nhà kinh doanh bao trùm, tổ chức và làm chủ chuỗi giá trị đạm – không bỏ qua khâu nào. Nếu làm tốt, thế đứng này sẽ giúp MML bành trướng lớn như mục tiêu 1 tỷ USD sau 4 năm kể từ chính thức “chạy thử” và có thể hướng 5 tỷ USD- một nửa thị trường hoặc thậm chí hơn.
Với vị thế đó, trong thời gian trước mắt, rủi ro lớn nhất của MML vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào khi doanh nghiệp này không sở hữu vùng trang trại mà chỉ liên kết với các đối tác trang trại lớn.
323 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của MML trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Trung Lâm, CEO của MML khẳng định với 2 tổ hợp nhà máy chế biến giết mổ ở Hà Nam và tới đây là Long An được trang bị công nghệ, quy trình để sản xuất thịt mát theo chuẩn Châu Âu– sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dùng.
Tuy vậy về dài hạn, để chắc chân, MML vẫn sẽ phải có vùng nuôi trang trại hoặc liên kết theo cách thức nào khác, chặt chẽ hơn, có vai trò MML trong chăn nuôi cụ thể hơn để đảm bảo xóa bỏ mọi rủi ro về dịch bệnh, cũng như tránh để khi giá heo hơi leo thang sẽ được tính vào giá thành cho người tiêu dùng.
Một rủi ro khác mà MML cũng sẽ phải nỗ lực thay đổi, đó là xây dựng thương hiệu thịt mát và các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nếu có chế biến sâu cùng Masan Consumer. Theo đó, đây là mảng “giá trị vô hình” nhưng lại đòi hỏi sự gia công đáng kể trong việc tạo niềm tin dài hạn cho người dùng.
Dù vừa chào sàn và có kế hoạch đầu tư 60 triệu USD cho nhà máy Long An, cùng nhiều chiến lược khác, nhưng MML còn nhiều khó khăn và thách thức trong nỗ lực làm chủ trong cuộc đua giành thị phần.
Ba thách thức với ngành thịt
Trên thực tế, không chỉ MML mà các doanh nghiệp thịt nói chung đều phải tính đến xu hướng già hóa dân số có thể làm thay đổi nhu cầu sử dụng protein, đạm động vật của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, đó là viễn cảnh sau năm 2030. Do đó từ nay đến năm 2030, các doanh nghiệp trong ngành có khoảng 10 năm để đạt tăng trưởng vàng.
Sau năm 2030, bài toán thay đổi để thích ứng với nhu cầu già hóa dân số của Việt Nam, sẽ khiến các doanh nghiệp phải định hướng lại. Những doanh nghiệp nào có sẵn lợi thế hoặc kế hoạch đầu tư chế biến sâu từ thịt, sẽ giảm được sức nóng của thách thức này.
Một thách thức khác, không lớn nhưng có thể tạo ra ảnh hưởng tâm lý lớn, đó là ứng xử với sự chuyển đổi lựa chọn điểm tiêu dùng – khi người tiêu dùng phải thay đổi từ chợ truyền thống sang siêu thị mới có thể tiếp cận được với sản phẩm thịt có thương hiệu. Về vấn đề này, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các nhà bán lẻ tiểu thương.
Ngoài ra, ngành thịt – thực phẩm đã và vẫn luôn đối mặt với dịch bệnh. Năm 2019, cả thế giới phải đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành thịt- thực phẩm nói riêng đã chứng tỏ được năng lực kiểm soát tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời kỳ cao điểm của dịch tả. Mặc dù vây, vấn đề an toàn thực phẩm và giám sát an toàn thực phẩm vẫn luôn là câu chuyện dài hạn đối với các doanh nghiệp. Do đó, giám sát an toàn thực phẩm cũng như chiến lược dài hơi để bảo vệ môi trường ngay từ vùng nuôi là vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp.