TAND tỉnh Thái Bình đang thụ lý vụ khởi kiện của 93 hộ gia đình xã Đông Cơ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của UBND huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Theo văn phòng UBND huyện Tiền Hải, trước đó UBND huyện Tiền Hải đã rất nhiều lần đối thoại trực tiếp đối thoại với người dân, thậm chí đã có quyết định phương án bồi thường hỗ trợ bổ sung cho một số gia đình nhưng đều không có kết quả. Do đó, 93 hộ gia đình xã Đông Cơ đã quyết định khởi kiện ra tòa để đòi lại đất. Sau nhiều lần bổ sung văn bản, tài liệu, tòa cũng đã cử cán bộ tổ chức hòa giải nhưng không thành. Mới đây, TAND tỉnh Thái Bình đã có thông báo thụ lý vụ án hành chính về việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai giữa 93 hộ gia đình xã Đông Cơ và UBND huyện Tiền Hải, UBND tỉnh Thái Bình.
Được biết, 93 hộ gia đình với 93 vụ kiện riêng biệt và những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bao gồm: tuyên bố hành vi thu hồi đất của UBND huyện Tiền Hải là trái luật. Yêu cầu tòa án buộc UBND huyện Tiền Hải và UBND xã Đông Cơ thu hồi đất của doanh nghiệp trả lại mặt bằng đất lúa nước 2 vụ/năm như trước. Yêu cầu UBND huyện Tiền Hải, UBND xã Đông Cơ và doanh nghiệp bồi thường thời gian thuê đất đã quá hạn từ năm 2014 đến khi trả lại mặt bằng theo cách tính lúc thuê 430kg/năm/sào Bắc Bộ…
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, trong trường hợp này phải làm rõ UBND huyện Tiền Hải đã thực hiện đúng trình tự thủ tục thu hồi đất chưa? Lý do tại sao người dân cho rằng diện tích đất hiện doanh nghiệp đang sử dụng là đất thuê có thời hạn không phải là đất thu hồi để thực hiện dự án.
Luật sư Thuận nhấn mạnh, việc UBND xã Đông Cơ tại thời điểm năm 2002 - 2003 đã tuyên truyền, vận động các hộ dân cho doanh nghiệp thuê đất có thời hạn thực tế là đánh tráo khái niệm làm cho người dân hiểu nhầm, từ đó dẫn tới hệ lụy, quyền lợi của người dân bị xâm phạm, tranh chấp khiếu kiện kéo dài, gây mất niềm tin của người dân với chính quyền. Để khắc phục tình trạng này người dân có quyền khởi kiện Quyết định, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính.
Do đất nông nghiệp đã bị chuyển đổi sang đất sản xuất, kinh doanh cho nên các hộ dân có quyền tiếp tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu hồi đất và yêu cầu phạt chậm chi trả bồi thường về đất theo qui định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 93 Luật Đất đai năm 2013.
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 thì lãi suất chậm chi trả bồi thường được tính là: 0,03%/01 ngày. Tạm tính từ ngày bị thu hồi đất đến nay là hơn 7000 ngày, đây là số tiền thực tế mà UBND huyện Tiền Hải và Ban quản lý dự án phải có trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân xã Đông Cơ có đất bị thu hồi – Luật sư Thuận cho biết.
Cũng theo văn phòng UBND huyện Tiền Hải, hiện, UBND huyện Tiền Hải đang chuẩn bị tài liệu theo yêu cầu của tòa án để chuẩn bị xét xử. Ai đúng, ai sai thế nào đành đợi phán quyết của tòa.
Có thể bạn quan tâm
00:56, 08/06/2019
06:06, 22/05/2019
10:56, 02/05/2019
Như DĐDN đã thông tin trước đó, hàng trăm hộ dân tại 2 xã Đông Cơ và Đông Lâm (huyện Tiền Hải – Thái bình) nhiều năm qua đội đơn đi khiếu nại khắp cơ quan ban ngành yêu cầu trả lại đất ruộng mà họ bị thu hồi hơn 10 năm trước để cho các doanh nghiệp thuê tại KCN Tiền Hải. Người dân cho rằng thời điểm đó, chính quyền và họ đã thống nhất cho các doanh nghiệp gạch, gốm sứ như: Viglacera, Long Hầu, Hảo Cảnh, MIKADO,... thuê đất trong 10 năm. Nhưng hết thời hạn 10 năm không có doanh nghiệp nào trả đất cho họ và được trả lời rằng đất của họ đã bị thu hồi vĩnh viễn.