Mật ong Việt “ngậm đắng” trên thị trường Mỹ?

Diendandoanhnghiep.vn Để hạn chế tối đa thiệt hại từ quyết định chống bán phá giá, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để có được những kết quả rà soát có lợi.

>>Mật ong Việt Nam bị áp thuế 400%: Nguy cơ đánh mất thị trường Mỹ

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Ngọc Hà, Giảng viên Đại học Ngoại Thương với DĐDN xoay quanh việc Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam. Dự kiến kết luận chính thức và cuối cùng sẽ được ban hành vào tháng 4/2022 tới đây.

.

- Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Có thể thấy đây không phải là một vấn đề mới đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bởi trước đó, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam, trong đó có những mặt hàng nông nghiệp như cá tra, cá ba sa, tôm nước ấm đông lạnh…, đã từng bị áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, với mật ong, mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Hoa Kỳ đang áp dụng, quả thật, là rất cao và là một trong những trường hợp hiếm hoi khi thuế chống bán phá giá được áp dụng cao đến như vậy.

Điều này cho thấy khi tham gia vào thương mại quốc tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia sẵn sàng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết với mục tiêu hợp pháp là để thiết lập lại sự cạnh tranh “công bằng” trên thị trường, nhưng thực chất đó lại là một biện pháp khá hữu hiệu để bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước, từ đó, gây bất lợi cho xuất khẩu của những doanh nghiệp có sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá.

- Quyết định này sẽ làm ảnh hưởng như thế nào tới ngành mật ong, thưa ông?

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời cao như vậy thực sự sẽ gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ, vì giá bán cuối cùng đến tay người tiêu dùng Mỹ đối với mật ong Việt Nam sẽ tăng nhiều lần sau khi mức thuế này được áp.

Vì phần lớn mật ong của Việt Nam đều xuất khẩu vào thị trường Mỹ, do đó, khi không hoặc rất ít mật ong của Việt Nam được tiêu thụ tại Hoa Kỳ, sẽ gây ra khó khăn tạm thời cho đầu ra của những doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Câu chuyện của những doanh nghiệp sản xuất cá tra, cá ba sa đầu những năm 2000 có thể lặp lại. Sản xuất mật ong có thể bị đình trệ, tổng đàn ong có thể tạm thời bị giảm xuống đáng kể, thu nhập của người nuôi ong có thể bị giảm sút nghiêm trọng, từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

 Trong khi sản phẩm mật ong xuất sang Mỹ của Việt Nam bị áp thuế 412,49% thì Ấn Độ chỉ bị áp thuế tượng trưng là 6,4%.

Trong khi sản phẩm mật ong xuất sang Mỹ của Việt Nam bị áp thuế 412,49% thì Ấn Độ chỉ bị áp thuế tượng trưng là 6,4%.

- Hiện nay, còn cách nào để hoá giải việc áp thuế và hạn chế thấp nhất mức độ chịu ảnh hưởng không, thưa ông?

Theo lịch trình, đến giữa tháng 4 năm nay, Hoa Kỳ sẽ công bố mức thuế chống bán phá giá chính thức. Sau khi nhận được thông báo về việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời, những doanh nghiệp liên quan có quyền phản hồi và trao đổi với các cơ quan có liên quan của Hoa Kỳ.

Đây có thể được coi là một kênh quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam có liên quan phản hồi và trao đổi với cơ quan điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Nếu thành công, mức thuế chống bán phá giá sẽ có thể được điều chỉnh sau khi được tính toán lại trên cơ sở những ý kiến phản hồi của các bên liên quan.

Trong các giai đoạn tiếp theo sau khi thuế chống bán phá giá chính thức được công bố, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để có được những kết quả rà soát có lợi.

>>Bộ Ngoại giao lên tiếng việc Mỹ áp thuế 400% với mật ong Việt Nam

- Đây không thể là sự “đơn thương độc mã” của doanh nghiệp, thưa ông?

Để hạn chế tác động bất lợi của thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét để tận dụng những lợi thế mà một số FTA của Việt Nam có thể mang lại để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, như xuất khẩu vào thị trường của EU, của những quốc gia đã phê chuẩn CPTPP… để giảm sự phụ thuộc vào thị trường của Hoa Kỳ. Câu chuyện của những ngành sản xuất khác khi đối phó với thuế chống bán phá giá của nước ngoài vẫn còn nguyên giá trị trong trường hợp này.

Từ góc độ Chính phủ, Chính phủ có thể xem xét sử dụng cơ chế phù hợp (tham vấn, giải quyết tranh chấp…) theo Hiệp định Chống bán phá giá hoặc Thỏa thuận Giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục đàm phán để Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để tránh việc sử dụng giá bán trong nước của một nước thứ ba khi xác định biên độ phá giá (trong trường hợp này là giá bán trong nước của Ấn Độ, cao hơn khoảng 200 USD/MT so với mật ong Việt Nam).

- Ông có thêm lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, khi mà phòng vệ thương mại là vấn đề không thể tránh?

Như đã trình bày ở trên, khi tham gia vào thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định tinh thần sẵn sàng bị nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp, trong đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu quy định về chống bán phá giá hay phòng vệ thương mại của nước sở tại để có thể vận dụng khi cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Mật ong Việt “ngậm đắng” trên thị trường Mỹ? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714551016 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714551016 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10