Pháp luật

Mặt trái ngành dăm gỗ Nghệ An – Bài cuối: Cần xử lý dứt điểm!

Hồng Quang 18/10/2024 00:20

Những vi phạm của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ ở Nghệ An có một phần nguyên nhân đến từ việc địa phương chưa xử lý dứt điểm…

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, xã cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường,… đối với những cơ sở chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Cơ sở băm dăm gỗ trái phép của hộ kinh doanh Hồ Trọng Luận tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu.
Để các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ mọc lên trái quy định, các địa phương cấp huyện, cấp xã đang thể hiện sự chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn.

Chỉ ra hàng loạt sai phạm

Hồi tháng 6/2024 vừa qua, ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã ký, ban hành văn bản số 249/BC-SNN.KL để báo cáo về việc tổng hợp kết quả kiểm tra hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Đoàn liên ngành tỉnh đã thực hiện kiểm tra tất cả 31 cơ sở hoạt động chế biến, băm dăm gỗ, tại 11 huyện, thị xã, gồm: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Nghi Lộc, Tân Kỳ. Trong đó, có 19 cơ sở hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; 11 cơ sở hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh và 1 cơ sở hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

Nội dung báo cáo cũng nêu rõ, toàn bộ 31 cơ sở đều được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ sở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thực hiện chưa đúng, hoặc chưa phù hợp ở một số nội dung, mục tiêu của dự án đã được phê duyệt.

Cụ thể là: Công ty TNHH Đầu tư PTP tại xã Nghĩa Mỹ, TX Thái Hòa; Công ty TNHH sản xuất chế biến và thương mại Thắng Lợi, xã Đồng Hợp, Công ty TNHH Trường Quyền Nam Phát, xã Châu Quang, Công ty TNHH Thịnh Kỳ, xã Châu Thái, cùng huyện Quỳ Hợp; Công ty CP chế biến lâm sản Phủ Quỳ, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn và hộ kinh doanh Bùi Thị Thanh ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư năm 2020; chưa cung cấp được các hồ sơ về công tác quản lý an toàn trong chế biến gỗ dăm: Hệ thống quản lý an toàn, quản lý rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, an toàn khu vực sản xuất,... theo quy định.

Các cơ sở băm dăm gỗ
Danh sách 31 cơ sở chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn bị Đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra.

Đáng chú ý là trường hợp của Công ty CP sản xuất chế biến thương mại và đầu tư Tuyên Quang. Vào tháng 9/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Tổng đội TNXP 3 (đơn vị cho công ty thuê đất), đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, mặc dù UBND huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần yêu cầu, Tổng đội TNXP 3 vẫn chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp.

Ngoài ra, có 11 cơ sở kinh doanh hộ gia đình và 1 hợp tác xã đều tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đúng với mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, có một cơ sở đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Đó là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tấn ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, vậy nhưng tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở vẫn chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả...

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Dựa trên kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đối với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, các cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong tất các các lĩnh vực có liên quan.

Riêng đối với UBND các huyện, thị xã có cơ sở băm dăm gỗ, ngoài tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực thì cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ban quản lý KTT Đông Nam tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở có hoạt động băm dăm gỗ trên địa bàn được giao quản lý chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, quản lý công nghiệp, quản lý lâm sản, PCCC&CNCH…

CV Số 249
Địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý, tham mưu kịp thời, dứt điểm theo đúng quy định pháp luật các vi phạm (nếu có) của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ. Tuyệt đối không để cho các sai phạm kéo dài, gây khó khăn cho công tác xử lý. Riêng đối với các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị theo dõi, đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt của các chủ cơ sở; xác minh, cưỡng chế đối với các trường hợp đủ điều kiện cưỡng chế.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành, UBND các huyện, thị xã cần tiến hành rà soát, đánh giá lại hoạt động của các cơ sở băm dăm gỗ của địa phương mình; kiểm tra lại, xử lý các tồn tại, hạn chế, vi phạm của các cơ sở băm dăm gỗ mà Đoàn liên ngành chỉ ra. Địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài ra, đối với các cơ sở có hoạt động băm dăm gỗ thì cần phải chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước có liên quan khi tiến hành các hoạt động chế biên, băm dăm gỗ. Rà soát lại hoạt động của cơ sở mình nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu để hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền xử lý và khắc phục hậu quả đối với các vi phạm đã được chỉ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mặt trái ngành dăm gỗ Nghệ An – Bài cuối: Cần xử lý dứt điểm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO