“Mây đen phủ kín toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”

Thy Hằng 30/12/2019 12:03

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trích dẫn nhận định như vậy của WB khi đánh giá về sự phát triển của kinh tế - xã hội năm 2019.

Nhắc lại hội nghị tổng kết năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết đã có mong muốn, kỳ vọng kết quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn, cao hơn năm 2018. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng đề nghị, năm 2020 đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục cao hơn năm 2019.

Lần thứ ba tham dự Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng nhận định mục tiêu năm 2018 đã đạt được.

Lần thứ ba tham dự Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vui mừng nhận định mục tiêu phát triển của năm 2019 đã đạt được.

4 minh chứng của “vận nước đang lên”

Nhắc mục tiêu năm 2018, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Lúc bấy giờ tôi thấy không khí hồ hởi, quyết tâm rất cao, đến nay, báo cáo tổng kết năm 2019 cho thấy, chúng ta đã đạt được hay không đạt được? Với tinh thần ấy, đề nghị trả lời năm 2019 kết quả các mặt, các lĩnh vực có cao hơn năm 2018 hay không? Còn lĩnh vực nào, mặt nào chưa tốt? vì sao? Cho chúng ta bài học kinh nghiệm gì?" 

Qua báo cáo của Chính phủ, ý kiến lãnh đạo Bộ, ngành địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết có cảm nhận: “Chúng ta đã đạt được điều chúng ta mong muốn và cam kết năm ngoái”.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, điều quan trọng, năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn lớn nhưng chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng, tốt hơn năm 2018.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết thành quả này thể hiện ở 4 điểm lớn.

Trước hết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng nhanh, mức trên 7%, cao hơn mục tiêu đề ra, thuộc nhóm cá nước có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực, nâng quy mô GDP lên 266 tỷ USD.

“Đã bao giờ chúng ta có con số quy mô GDP thế này? Bình quân đạt 2.800 USD/người, đây là điều chưa từng có”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, lạm phát thấp, đầu tư xã hội và các cân đối lớn được bảo đảm, kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước được tăng cường.

Lạm phát được kiểm soát, đầu tư xã hội năng lực sản xuất kinh doanh tăng, bội chi ngân sách chỉ mức 3-4%,…Tỷ lệ nợ công giảm mạnh xuống mức 55%. Ngày càng thấp hơn so với mức trần Quốc hội quy định (65%). 

Tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt mức 55 tỷ USD. Xuất khẩu tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2018 trong khi nhiều nước xuất khẩu tăng trưởng chậm, thậm chức tăng trưởng âm.

Thị trường tiền tệ ổn định, cán ân thanh toán được cải thiện, ngoại hối đạt 80 tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng 8% so với năm 2018 trong khi xuất khẩu của nhiều nước giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm.

“Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định ‘mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang toả sáng ở Việt Nam’”, Tổng bí thư dẫn chứng.

Dẫn chứng hàng loạt những chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định đây là biểu hiện thứ hai cho thấy “vận nước đang lên”.

Thứ ba, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, tòa vẹn lãnh thổ.

Nhắc đến 2 sự kiện quan trọng là việc Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Và việc Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định điều này thể hiện vai trò, vị trí của Việt Nam được nâng lên.

“Tôi gặp trực tiếp cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên và thấy tình cảm vượt qua mọi nghi thức ngoại giao bình thường. Chủ tịch Kim Jong Un đã xem biểu diễn nghệ thuật, nghe đàn bầu, đề nghị cử một đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên biểu diễn. Không khí rất thân tình, xóa đi những mặc cảm”, Tổng bí thư nói.

Thứ tư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến công tác xây dưng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu tục.

Nhắc lại việc xét xử một số vụ tham nhũng, bổ sung thêm các vụ vào diện Ban chỉ đạo phòng Trung ương chống tham nhũng theo dõi, xử lý, Tổng Bí thư cho rằng, vụ AVG là một điển hình nói nên rất nhiều điều. Đây là vụ xử lý số lượng nhiều, cán bộ cao cấp, 2 nguyên Ủy viên Trung ương, 2 nguyên bộ trưởng. Các đối tượng ra trước tòa ăn năn, hối lỗi, thái độ rất tốt.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải thiện môi trường kinh doanh: Việt Nam đang chậm hơn các nước

    11:35, 30/12/2019

  • Kinh tế 2019: Nhiều "nghịch lý" đã thay đổi

    10:29, 30/12/2019

  • Cần những "trụ cánh" để kinh tế Việt Nam 2020 vươn cao, bay xa

    10:07, 30/12/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “Trái ngọt” kinh tế năm 2019

    06:33, 30/12/2019

 "Chưa bao giờ ta xử rốt ráo được tội hối lộ. Chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy. Vụ AVG thu lại được 8.500 tỷ đồng. Vụ việc có tính răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, không phải lúc nào cũng nói ra hết được”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

"Dừng lại là thụt lùi"

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả năm 2019 không phải là “vơ vào, thành tích chủ nghĩa, nói không có căn cứ, nói có sách mách có chứng, nói có chứng cứ”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay” để nói về sự cố gắng trong năm qua.

“Sự đồng thuận này không phải là chúng ta không tự khen nhau. Nó đúng với thực tế đang diễn ra, phù hợp với sự đánh giá của bạn bè quốc tế, sự phấn khởi trong nhân dân thể hiện ở các buổi tiếp xúc cử tri”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhưng không coi nhẹ bên này, đánh giá nặng bên kia. Tức là dù nhấn mạnh kinh tế tư nhân cũng không thể buông kinh tế Nhà nước.

Đặc biệt, khẳng định dừng lại là thụt lùi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị năm 2020 sẽ phải đạt mục tiêu phát triển hơn năm 2019 để chuẩn bị bước vào thập kỷ mới, thời kỳ mới.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung 4 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, về kinh tế, tiếp tục củng cố tăng trưởng kinh tế, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh với các đột phá chiến lược. Cơ cấu nền kinh tế với gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường.

Tập trung khắc phục những yếu kém tồn tại từ lâu của nền kinh tế để có kết quả thực chất. Hoàn thiện và tổ chức thật nghiêm hệ thống pháp luật, chính sách tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kiện toàn bộ máy. Xử lý có kết quả các công trình dự án chậm tiến độ, các ngân hàng yếu kém…

Thứ hai, quan tâm hơn nữa và có giải pháp phù hợp để phát triển văn hoá xã hội, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện các chính sách về cải cách tiền lương, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội…

Thứ ba, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, theo đó, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao đạo đức công chức, kiên trì kiên quyết gắn với đấu tranh loại bỏ tham nhũng...

Thứ tư, về tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp và toàn hệ thống chính trị nghiêm túc quán triệt Nghị quyết TƯ tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Ngày 17/12, World Bank công bố báo cáo Điểm lại về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trang 9, phần tóm lược tổng quan nêu: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

Chuyên gia của World Bank nhận xét, năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam.

Định chế này khẳng định, trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới 6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu”.

Theo World Bank, kết quả tăng trưởng vững vàng nêu trên có được là nhờ sự đóng góp của hai yếu tố chính: tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Mặc dù ca ngợi kỳ tích mà Việt Nam đạt được ở lĩnh vực kinh tế trong năm qua, song World Bank cũng đề cập đến rủi ro của “những ngày xấu trời” mà lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cần cảnh giác. World Bank cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không thể và không nên chủ quan với những rủi ro trong nước và bên ngoài.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mây đen phủ kín toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO