Là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất ngành may mặc nhưng việc đối tác tại Mỹ nộp đơn phá sản sẽ là cú sốc lớn đối với May Sông Hồng.
Câu chuyện 2 năm trước của Dệt may Thành Công (TCM) đã lặp lại với May Sông Hồng - một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất ngành may mặc.
Nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng
RTW Retalwinds, hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi tại Mỹ vừa chính thức nộp đơn xin phá sản sau nhiều tháng mất cân đối tài chính vì Covid-19. Công ty dự kiến đóng cửa gần hết, thậm chí trường hợp xấu hơn là toàn bộ 400 cửa hàng nằm rải rác 32 bang tại Mỹ.
Trong hồ sơ xin phá sản, công ty liệt kê tổng tài sản trị giá khoảng 412 triệu USD và nợ xấp xỉ 400 triệu USD.
Đáng lưu ý, tại Việt Nam, RTW Retalwinds là khách hàng truyền thống của Công ty CP May Sông Hồng. Các đơn hàng từ RTW Retalwinds (thông qua thương hiệu New York & Co) năm ngoái đóng góp 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng.
Những năm trước, con số này lên đến 25%. RTW Retalwinds nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi vẫn còn nợ May Sông Hồng 167 tỷ đồng.
Phía MSH cho biết Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, khi dịch bùng phát tại thị trường Mỹ Công ty đã dự báo trước tình hình này sẽ xảy ra, đồng thời đã trích lập dự phòng một phần từ quý đầu năm và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ với khách hàng NY&Co, lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.
"Câu chuyện buồn" của TCM còn đó...
Thực tế, đây không phải là lần đầu công ty niêm yết trên sàn gặp sự cố khi khách hàng lớn tuyên bố phá sản tại thị trường nước ngoài, trong đó những vướng mắc về hành lang pháp lý, địa lý… ảnh hưởng đến khả năng thu hồi đặc biệt được quan tâm.
Gần 2 năm trước, một doanh nghiệp dệt may khác là Dệt may Thành Công (TCM) cũng đối mặt với sự cố khách hàng bên Mỹ đã chính thức phá sản. Cụ thể, Công ty Sears Holding (Nasdaq: SHLD) chính thức nộp đơn phá sản tại tòa án phá sản Mỹ, trong danh sách các công ty con của Sears Holding nộp đơn phá sản có 2 đơn vị đang giao dịch với TCM, là Công ty Sears, Roebuck và Công ty Kmart.
Lúc bấy giờ, doanh thu 2 công ty này đang chiếm đến 7% doanh thu hàng năm TCM. Xét giai đoạn 2014-2017, tổng doanh thu mỗi năm Công ty dao động từ 2.500 - 3.200 tỷ đồng, như vậy con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng. Chưa kể, Sears, Roebuck and Co cũng đang nợ gần 95 tỷ đồng tại TCM.
Ngay khi nhận được thông báo, TCM cho biết nỗ lực tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Song song, TCM cũng trích lập dự phòng khoảng 79 tỷ ngay trong quý 4/2018.
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Như Tùng – Thành viên HĐQT – cho biết: "Sears nộp đơn theo chương 11 luật phá sản của Mỹ, theo tư vấn của luật sư thì các đơn hàng giao trong vòng 20 ngày trước khi nộp đơn phá sản và những đơn hàng chưa đến kho của Sears thì khả năng thu hồi rất cao, có thể từ 75-100%, còn những đơn hàng trước đó thì khả năng thu hồi từ 30- 50%".
Việc trích lập lúc này giúp giảm áp lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của TCM trong năm 2019, ban lãnh đạo thậm chí nhấn mạnh TCM có thể được hoàn nhập một phần hoặc toàn bộ khoản dự phòng này nếu thu hồi được công nợ từ Sears.
Mặc dù vậy, ông Tùng phân trần tính đến hiện tại phía TCM vẫn chưa thể thu được 1 đồng nào từ đối tác. TCM đã tiến hành phản hồi lên Toà án sở tại, tuy nhiên thủ tục theo vị này rất phức tạp và xử lý trong thời gian dài. Công ty cũng đã thuê luật sư bên Mỹ xử lý vụ này, tuy nhiên đến nay chưa có thông tin gì thêm, và cũng không biết chính xác được tiến trình tiếp theo.
Các chuyên gia đều khẳng định, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tăng tốc trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, tình trạng doanh nghiệp phá sản sẽ còn gia tăng.
Khi doanh nghiệp nộp đơn phá sản, thứ tự ưu tiên trả nợ của doanh nghiệp Mỹ ra sao còn tùy thuộc vào quy định của Luật doanh nghiệp Mỹ, tuy nhiên, nhìn chung, các luật doanh nghiệp trên thế giới thường ưu tiên trả nợ chính phủ trước (các khoản thuế), rồi tới trả lương cho người lao động, sau đó mới đến các chủ nợ, cổ đông...
Về phía doanh nghiệp Việt, Ths Nguyễn Bình Minh (Đại học Thương mại) cho biết đến khi nào mới có thể thu hồi được nợ còn tùy thuộc vào thủ tục của Mỹ.
Được biết, May Sông Hồng đã dự đoán trước tình hình ở Mỹ cũng như của đối tác RTW Retailwinds nên đã trích lập dự phòng một phần từ quý 1 và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, Ths Nguyễn Bình Minh cho rằng, dù doanh nghiệp trích lập dự phòng trước nhưng sẽ không ăn thua, thiệt hại của doanh nghiệp khi đối tác đệ đơn phá sản là không nhỏ.
"Lúc này khoản nợ của doanh nghiệp trở thành nợ khó đòi và nó có thể mất, khi ấy doanh nghiệp phải hạch toán nó thành một khoản lỗ. Trong kinh doanh, tình huống này là bất khả kháng. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt phải chẩn đoán trước tình hình tài chính của đối tác, ký hợp đồng trong hạn mức cho phép và phải thẩm định. Nhiều trường hợp, trong quá trình ký hai bên chưa cảm thấy tin tưởng nhau còn phải có một đơn vị tư vấn tài chính đứng ra kiểm tra", ông Minh cho biết.
Có thể bạn quan tâm