Đó là tâm sự của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri khi trao đổi với Doanh nhân.
Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng trước nghị lực phi thường của nữ doanh nhân 38 tuổi, điều hành vững chãi doanh nghiệp trong 9 năm qua chính là chị - một người chỉ cao 88cm, nặng 22,5 kg và đi lại khó khăn.
- Có lúc nào chị cảm thấy, sự thiệt thòi về cơ thể làm chị nản lòng không?
Sức khỏe của tôi vốn dĩ từ bé đến nay vẫn không tốt lắm. Tôi bị khuyết tật vận động bẩm sinh do loãng xương nên hệ thống xương không phát triển. Tôi vẫn hàng tháng hay hàng quý khám định kỳ để điều trị và uống thuốc hàng ngày. Nhưng bệnh tật không bao giờ là lý do để tôi trì hoãn hoặc ngừng phấn đấu. Dẫu sao thì tôi cũng chỉ có một cuộc đời thôi, nên tôi phải làm những điều tốt nhất đối với nó.
Tôi luôn tin tưởng vào bản thân để thử thách những khả năng của mình nên chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc giảm bớt công việc của bản thân, kể cả những lúc tôi cảm thấy căng thẳng mệt mỏi như stress chẳng hạn.
- Năng lượng để chị xử lý khối công việc đồ sộ được lấy từ đâu ra?
Cách duy nhất để làm tốt mọi công việc là phải có động lực và thấy được ý nghĩa trong từng công việc mình làm. Khi tôi có lý do đủ lớn, tôi sẽ làm việc say mê với một khát khao cháy bỏng. Bởi theo tôi không có đam mê thì không có năng lượng, mà không có năng lượng là không có gì cả.
- Áp lực của công việc kinh doanh khiến doanh nhân thường xuyên rơi vào trạng trái bị stress hơn. Chị nghĩ sao về điều này và cách chị kiểm soát stress ra sao?
Quả thực như vậy. Với doanh nhân Việt Nam thì mức độ stress càng nặng nề, do phải chạy đua cạnh tranh, đảm nhiệm khối lượng công việc lớn để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, tình hình biến động kinh tế vĩ mô, áp lực về dòng tiền mặt cung ứng do sự điều chỉnh của các chính sách tiền tệ cũng là nguyên nhân làm tình trạng stress của các chủ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng trong năm qua.
Nhiều bạn bè của tôi còn cho biết, vừa phải lo cạnh tranh trên thương trường, lại phải luôn “đối phó” với chính sách hệ thay đổi liên tục, giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động thất thường... làm cho doanh nhân lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, rất dễ gặp rủi ro... thì không stresst mới là điều lạ!
Với bản thân, tôi luôn thực hiện theo 7 quy tắc này để cuộc sống của tôi luôn cân bằng và hạnh phúc:
Ưu tiên đầu tư vào chính mình; Duy trì sức khỏe ở cả 3 trạng thái: trí tuệ, thể chất và tinh thần; Nuôi dưỡng những thói quen tích cực và thực hiện chúng hàng ngày; Không ngừng học hỏi; Luôn ở bên cạnh những người xuất sắc; Dành thời gian hướng nội, tự tìm hiểu và hoàn thiện bản thân; Làm những điều mình thích.
Có những lúc gặp bế tắc nhưng tôi luôn xác định, mình mệt thì nghỉ ngơi, mỏi thì dừng chân chứ không bỏ cuộc, không đầu hàng bởi nếu buông xuôi sẽ mất tất cả.
Tôi cho rằng, khi doanh nhân “nhập cuộc” một cách chủ động thì đấy sẽ là động lực giúp họ vượt qua “bão”.
- Năm 2010 chị thành lập doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh không phải là lĩnh vực mới mẻ gì nếu không muốn nói đã có nhiều đơn vị đã đi trước, đón đầu. Chị làm thế nào để gây dựng vững chắc tới ngày hôm nay?
Từ kiến thức lĩnh hội tại hai trường đại học (Trường ĐH Lao động xã hội, Trường ĐH Vinh – PV), cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm trong thời đi làm công cho các doanh nghiệp, tôi đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp cho riêng mình vào năm 2010, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hiền được tôn vinh là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc, được Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Thu Hà- Chủ tịch HLH Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen”.
Giải thưởng Kova (giải tôn vinh những người Việt xuất sắc trên khắp cả nước - PV) tại Việt Nam do Hội liên hiệp phụ nữ đề cử, trong hạng mục: “Sống đẹp”.
Bằng khen của: Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa; Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam…
Do đi lại hạn chế nên việc mở rộng phát triển thị trường đối với doanh nghiệp của tôi cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, cũng có những đối tác còn nghi ngại, liệu sản phẩm của người khuyết tật có “khuyết tật” không?. Nhưng phần đông các đối tác ủng hộ nhiệt tình khiến tôi càng phải cố gắng nhiều hơn để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, giao hàng đúng hẹn, không làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc của họ.
- Được biết, ngoài công việc chính là điều hành doanh nghiệp chị còn là Chủ nhiệm một số Câu lạc bộ của tỉnh Thanh Hóa và là thành viên của nhiều tổ chức Hội khác nữa. Phải chăng đây là cách để chị giải tỏa stress và hướng tới “những điều tốt đẹp hơn”?
Mỗi sáng mai thức dậy, tôi luôn tự nghĩ: Ngày hôm nay mình sẽ sống hạnh phúc. Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý và những người thương yêu tôi.
Tôi sẽ làm những việc khiến tôi hạnh phúc như: xem một bộ phim hài, giúp đỡ một ai đó, nghe một vài bài hát yêu thích hay chụp một vài bức ảnh để đăng facebook,...
Tôi là người thích trải nghiệm cuộc sống, luôn chuyển động, chấp nhận thách thức và đam mê với công việc mà mình đã chọn. Ở tuổi 38 - khi không hẳn là còn trẻ, tôi thấy cuộc đời mình thú vị. Vì vậy, tôi chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ, mà luôn sẵn sàng cho những bước ngoặt phía trước.