Các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước lo ngại, giá đường mía ở các nước trong khối đang thấp hơn giá trong nước và đây sẽ là cơ sở để đường buôn lậu tràn vào Việt Nam...
Không chỉ tồn kho lượng đường lớn, khó cạnh tranh ngay trên sân nhà vì nạn đường lậu gia tăng, nhất là khi các điều khoản của ATIGA có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước lo ngại, giá đường mía ở các nước trong khối đang thấp hơn giá trong nước và đây sẽ là cơ sở để đường buôn lậu tràn vào Việt Nam. Mở cửa như thế nào để doanh nghiệp đường đủ khả năng cạnh tranh mà nông dân không khốn khó trở thành bài toán lớn.
Giải quyết nạn đường lậu gia tăng
Theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế, hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam với giá thấp hơn so với trong nước 1.000 – 2.000 đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp đường trong nước đứng trước nguy cơ bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà.
Chính Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, bước sang năm 2018, các doanh nghiệp mía đường có nhà máy công suất lớn, chủ động được vùng nguyên liệu, giá thành thấp, chuẩn bị tốt sẽ có cửa cạnh tranh. Ngược lại, những doanh nghiệp có nhà máy nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu sẽ chết dần hoặc chọn đóng cửa nhà máy, chuyển sang nhập đường thô về tinh luyện, không thu mua mía của nông dân. Thực tế hiện nay đã có không ít nhà máy đóng cửa.
Trong số 10 nhà máy mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN. Đây chỉ là những hậu quả ban đầu thời hội nhập ASEAN đối với sản xuất mía đường khi công nghệ nhà máy lạc hậu, diện tích trồng mía nhỏ lẻ, sử dụng nhiều nhân công và giống kém chất lượng. Công ty Mía đường Tây Ninh còn đưa ra nhận định, đến năm 2025, có thể thị trường chỉ còn 15 trong số 40 nhà máy đường trong nước hiện nay còn hoạt động. Chính vì vậy, đại diện các doanh nghiệp mía đường, VSSA kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.
Có thể nói các vấn đề quan tâm cho ngành đường vẫn đang được Hiệp hội và Bộ ban ngành liên quan quan tâm. Tuy nhiên, việc xác định mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp quy mô nhỏ ngày càng thấp và khó trụ vững là việc đã được nhìn nhận từ lâu, đây là vấn đề tất yếu mang tính chất quy luật, không có gì để khẳng định đó là thực tế phải chấp nhận của tất cả ngành đường.
Trước khó khăn có nên tiếp tục bảo hộ?
GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu mía đường Tây Ninh của tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, một điều thấy rất rõ hiện nay là đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ 11.000 đồng/kg, trong khi đường trong nước tới 12.500 đồng/kg. Đây cũng chính là lý do khiến đường nhập lậu từ Thái Lan liên tục xâm nhập vào Việt Nam. Vì thế, vấn đề cần thay đổi ngay bây giờ chính là phải kéo giá nguyên liệu xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, để làm được việc này, ông Xuân cho rằng, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn (100 héc ta, thậm chí vài ngàn héc ta) để cơ giới hóa. Hơn thế nữa, việc dỡ bỏ ATIGA phải tiến hành từng bước để nông dân không bị sốc. Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí so với cách làm hiện nay.
Quả thực câu chuyện rất lạ lùng ở Hậu Giang khiến dư luận xã hội hết ngạc nhiên đến bất bình trong những ngày đầu xuân Mậu Tuất đó là việc đề nghị các đơn vị phải có biện pháp mang tính chất hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp mía đường.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGSTS Trần Đình Thiên đánh giá, bất cứ một doanh nghiệp để phát triển tốt, để cạnh tranh được đều phải dựa vào quy luật thị trường và những thể chế chung của nhà nước. Một nền kinh tế phải dựa vào giải cứu thì không thể nào tốt được. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phải có tầm nhìn quốc gia ngay từ đầu, đừng để đến mức phải kêu gọi giải cứu, mà lại kêu gọi chính những người đang khó khăn nhất. Bản thân doanh nghiệp đừng trông cậy vào những giải pháp này. Hãy tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh...
Ngành đường có thực sự u ám?
Tương lai được nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế hiện tại, một số doanh nghiệp mía đường đang ăn nên làm ra. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành mía đường cho niên độ tài chính vừa rồi.
Trong khi một số doanh nghiệp cùng ngành lợi nhuận sụt giảm thì TTC Sugar (mã CK: SBT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 theo niên độ tài chính từ 1/7 cho thấy, lợi nhuận đạt được vẫn khả thi. Đây là báo cáo đầu tiên sau khi SBT hợp nhất BHS thành một tập đoàn lớn với vốn điều lệ đến 5,570 tỷ đồng.
Theo báo cáo công bố SBT đạt được doanh thu thuần quý 2 là 3.902 tỷ đồng tăng hơn gấp 2 cùng kỳ và lũy kế 6 tháng đạt 5,464 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 13.8% còn 11.3% chủ yếu từ các chi phí cho các hoạt động thu khác. Riêng tỷ suất lợi nhuận gộp ở mảng thu chính là mía đường thì hầu như không thay đổi so với cùng kỳ, tăng khoảng 13%. Lợi nhuận sau thuế quý 2 ghi nhận 174 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt 261.2 tỷ, tăng 50% so với 6 tháng cùng kỳ năm trước.