Đã phổ cập là phải miễn phí, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
>>Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 4/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh bậc Trung học cơ sở (THCS) trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Theo đó, Bộ GDĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh THCS từ năm học 2022 – 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học).
Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 03 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Đề xuất này mau chóng nhận được phản hồi tích cực từ dư luận vì chính sách miễn học phí đến bậc THCS - bậc phổ cập không chỉ là điều đương nhiên. Mà còn vì trong bối cảnh hiện này, người dân vẫn đang trong quá trình hồi phục sau hai năm bị COVID-19 “bào mòn” kinh tế. Điều này không chỉ xảy ra ở thành thị, mà vùng nông thôn, miền núi cũng bị ảnh hưởng.
Thật ra, đây không phải là đề xuất mới, vì trong Nghị quyết 29 của Trung ương cũng quy định nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020, nên học sinh THCS sẽ được miễn học phí. Đó là cơ sở pháp lý để bắt đầu từ năm 2020, bậc THCS trở xuống sẽ được miễn học phí.
Và người viết còn nhớ trong Dự thảo Luật Giáo dục 2019 sửa đổi trình Quốc hội thông qua, Bộ GDĐT đã từng đưa đề xuất việc miễn học phí ở bậc THCS vào Dự thảo nhưng lại vấp phải ý kiến phản đối của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ do lo ngại làm tăng chi ngân sách nhà nước. Cuối cùng đề xuất này bị bác bỏ.
Trước đó từ năm 2013, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng đã đề nghị nên gọi thẳng là “giáo dục bắt buộc 9 năm miễn học phí”, tức miễn phí hoàn toàn cho học sinh cấp THCS…v..v.
Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí, trong đó có học sinh THCS. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
>>Thi tốt nghiệp THPT 2022: Thí sinh lưu ý gì với môn Ngữ văn?
Liên quan đến vấn đề này, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của Việt Nam khoảng 20%, tương đương 5% GDP hoặc cao hơn, sao vẫn thiếu trước hụt sau?
Mức đầu tư cho giáo dục như vậy là khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam như Singapore (3,2%), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%), Hàn Quốc (5,2%), Hồng Kông - Trung Quốc (3,5%).
Trong khi với mức đầu tư tương đương hoặc thấp hơn, nhiều nước vẫn miễn học phí đến bậc THCS như Campuchia chẳng hạn. Thậm chí học sinh còn được có bữa ăn sáng miễn phí như Chính phủ Malaysia đang áp dụng cho bậc tiểu học… Hoặc ở Singapore, các trường công lập thường miễn phí cho học sinh 7 tuổi bắt đầu chương trình tiểu học cho đến hết trung học lúc 17 tuổi.
Còn ở Thái Lan, giáo dục miễn phí kéo dài đến 15 năm. Trong đó, chương trình giáo dục cơ bản bắt buộc của nước này kéo dài 9 năm, gồm 6 năm tiểu học và 3 năm THCS. Chương trình học mẫu giáo 3 năm và chương trình học THPT 3 năm đều không bắt buộc nhưng vẫn không tốn phí nếu các gia đình lựa chọn.
Xa hơn một chút, chính sách giáo dục của nước bạn thân thiết mang tên Cuba. Tại Cuba, học sinh được đi học hết đại học không phải đóng học phí và được nuôi ăn, được cung cấp đầy đủ thiết bị học tập..v..v.
>>Lộ trình và mức tăng học phí ra sao?
>>Tăng học phí, giảm niềm tin
Thế nên, hướng tới phổ cập giáo dục thì việc miễn học phí tới bậc THCS là một chính sách tiến bộ. Vậy thì việc Việt Nam thực hiện miễn giảm học phí đến cấp THCS cũng chẳng có gì là lạ và xa vời. Một chính sách hợp lý, tiến bộ và chắc chắn sẽ hợp lòng dân.
Vấn đề ở chỗ, vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa thể thực hiện tốt chính sách nhân văn ấy? Đến nay, mới chỉ có TP Hải Phòng mới tiên phong để xóa bỏ và thực hiện hiệu quả chính sách này. Thậm chí, TP Hải Phòng còn làm hơn thế nữa, khi học sinh THPT sẽ được miễn học phí từ niên khóa 2021-2022.
Thực tiễn, chúng ta cứ nhìn vào cấp bậc tiểu học hiện nay. Mang tiếng là giảm học phí nhưng đến trường, khoản gì cũng thấy đóng, không chừa một thứ gì, đến cả tờ giấy kiểm tra trong trường học cũng… có giá cao ngất. Tức là, khoản học phí hằng năm chỉ ở mức vài trăm nghìn nhưng mức đóng tiền vào những khoản “phụ thu” đã đẩy khoản tiền học hằng năm lên đến con số vài triệu đồng.
Chỉ cần lên mạng và truy cập từ khóa “lạm thu tại trường học” chúng ta sẽ có thể chứng kiến hàng nghìn kết quả về những vụ thu khoản tiền “vô lý” tại trường học. Đó mới chính là nguyên nhân mà học sinh, gia đình học sinh khó lòng đáp ứng nổi số tiền nộp khi đi học chứ không phải là số tiền học phí nhỏ bé.
Người dân có thể vui mừng vì chính sách miễn giảm học phí ở cấp THCS mãi không, nếu chúng ta vẫn chẳng có biện pháp nào để quản lý được tình trạng lạm thu tại trường học. Và phổ cập giáo dục có thực hiện thành công hay không, khi giảm lượng tiền học phí nhưng có thể còn làm gia tăng các “khoản phí con” khác?
Dẫu sao đi nữa, cũng xin nhắc lại rằng, đây là một đề xuất mang tính nhân văn trong giáo dục và chắc chắn nó sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Dù tiền học phí hằng tháng, hằng năm không phải là số tiền khá lớn, song đây là món quà ý nghĩa đối với sự nghiệp giáo dục.
Với những gia đình khó khăn, học sinh không phải đóng học phí đồng nghĩa giảm bớt gánh nặng đáng kể. Đối với học sinh nói chung, đây là niềm động viên, khích lệ, là động lực để cố gắng hơn trong chặng đường học tập, tác động rất lớn đến sự nghiệp giáo dục.
Có thể bạn quan tâm
14:26, 04/07/2022
14:24, 30/05/2018
10:40, 29/05/2018