11 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu tôn màu chất lượng cao phục vụ sản xuất như LG Electronics, Hoà Phát, Samsung, Panasinic Việt Nam, Hiệp Hưng, Sanaky Việt Nam… được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu.
Sau khi ban hành Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu chất lượng cao tại Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước/vùng lãnh thổ khác nhau (mã vụ việc SG05). Thì mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 533/QĐ-BCT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Theo đó, căn cứ Mục 8 và Phụ lục 2 của Thông báo kèm theo Quyết định 1931 nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại đã nhận các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu chất lượng cao phục vụ sản xuất cho năm 2018.
Sau khi thẩm định các bộ hồ sơ, Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu cho 11 công ty năm 2018.
Cụ thể, đối với sản phẩm tôn màu PCM/VCM/PEM, có 6 công ty được hưởng miễn trừ gồm CTy TNHH LG Electronics VN Hải Phòng, Cty TNHH điện lạnh Hoà Phát, Cty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex, CTy TNHH Panasinic Việt Nam, CTy TNHH sản xuất đầu tư điện tử Hiệp Hưng, Cty TNHH Sanaky VN với lượng cấp miễn trừ sau khi thẩm định từ 83 đến 10.299 tấn.
Đối với sản phẩm tôn màu PVDF chỉ có công ty cổ phần đầu tư, xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh, lượng cấp miễn trừ sau khi thẩm định 315 tấn.
Đối với sản phẩm tôn màu tráng thiếc có công ty cổ phần bao bì kim loại Việt Nam miễn trừ 1.750 tấn, công ty TNHH Daesun Vina miễn trừ 751 tấn, công ty TNHH Superior Multi Packaging VN miễn trừ 2.166 tấn và công ty TNHH thiết bị giáo dục Tân Hà được cấp miễn trừ sau khi thẩm định 407 tấn đối với sản phẩm tôn màu chống lóa, kẻ oly.
Theo quy định tại Phụ lục 2 Thông báo kèm theo Quyết định số 1931 nêu trên, định kỳ hàng quý, các doanh nghiệp được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ phải nộp Báo cáo tình hình nhập khẩu tôn màu chất lượng cao đến Cục Phòng vệ thương mại trong vòng 15 ngày đầu tiên của quý tiếp theo.
Được biết, vào tháng 3/2017, tại phiên tham vấn công khai của Vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với một số mặt hàng tôn màu nhập khẩu (mã vụ việc SG05), các doanh nghiệp lớn như Panasonic,Samsung, LG…đều đề nghị miễn trừ tôn màu PCM/VCM nhập khẩu ra khỏi phạm vi hàng hóa bị điều tra áp dụng tự vệ và phân chia mã HS riêng cho sản phẩm tôn màu PCM/VCM.
Trong khi đó, theo lý giải của Bộ Công Thương, do lợi dụng thuế quan ưu đãi của Việt Nam nên lượng lớn tôn mạ màu chia thành 8 mã hàng nhập khẩu đã ồ ạt nhập về Việt Nam với giá rẻ. Điều này khiến ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, gây xáo trộn thị trường và đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường, đề nghị Bộ Công Thương điều tra áp dụng thuế tự vệ.
Bộ Công Thương khẳng định, lượng nhập tôn mạ màu về Việt Nam từ năm 2013 - 2016 tăng liên tục, năm 2016 đạt hơn 590.685 tấn, tăng gần 71% so với năm liền kề 2015. Việc nhập khẩu ồ ạt làm suy giảm và thiệt hại nặng cho ngành sản xuất tôn thép trong nước.
Xác định được lượng tôn thép giá rẻ, được trợ cấp, nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam nên Bộ Công Thương ban hành quyết định: Áp thuế tự vệ và nhập khẩu có hạn ngạch (quota) với ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Cụ thể, trong 3 năm, hạn ngạch nhập khẩu ưu đãi dành cho tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc về Việt Nam vào khoảng 1,1 triệu tấn, tôn thép mạ màu Hàn Quốc là hơn 114.000 tấn và tôn mạ màu từ Đài Loan là hơn 28.000 tấn. Trường hợp nhập quá hạn ngạch nói trên, tôn mạ màu ba nước cùng một số nước khác sẽ phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 19% theo quy định.
Được biết, biện pháp áp dụng thuế hạn ngạch nhập khẩu tôn thép mạ màu trên là 3 năm, kể từ tháng 6/2017 đến hết tháng 6/2020.