Minh bạch hóa hoạt động bancassurance: Tăng kiểm soát hoạt động đại lý bảo hiểm

NGỌC DIỄM thực hiện 21/11/2023 10:20

Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được Bộ Tài chính ban hành cấm các tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng có khoản vay...

>>>Ứng xử sao với các khoản vay đã kèm bảo hiểm?

LTS: Thông tư 67/2023/TT-BTC góp phần hoàn thiện quy định liên quan tới hoạt động đại lý bảo hiểm, nâng cao tính minh bạch trong quá trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng (bancassurance).

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Trong Thông tư Bộ Tài chính đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và cũng nhằm hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kèm khoản vay.

- Ông có quan điểm thế nào về quy định nêu trên của Bộ Tài chính?

Quy định này áp dụng với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị vì loại hình này có kết hợp yếu tố đầu tư, là sản phẩm khá phức tạp, yêu cầu cao về nhận thức của người tham gia. Cùng với Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46 năm 2023, Thông tư 67 đã thêm một bước hoàn thiện về quy định liên quan tới hoạt động đại lý bảo hiểm, nâng cao tính minh bạch trong quá trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, khách hàng được chủ động lựa chọn tham gia.

Ngoài ra, Thông tư 67 có nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm như quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; quy định phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng phải có một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của các tổ chức tín dụng.

- Theo ông, quy định mới có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường và tác động đó là gì?

Tôi nghĩ sẽ có những ảnh hưởng, không chỉ với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) mà cả chính khách hàng cũng khó tránh khỏi bất cập. Tôi hiểu ý nghĩa tích cực của quy định này là Bộ Tài chính muốn ngăn ngừa việc bị phía ngân hàng “ép” mua bảo hiểm (liên kết đầu tư) đối với khách hàng khi họ phải vay tiền ngân hàng.

Tuy nhiên, giả sử một người chủ cơ sở sản xuất cần vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng cho một dự án sản xuất kinh doanh, họ vay tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bản thân vẫn có thu nhập cao, ổn định và thực sự muốn mua bảo hiểm liên kết đầu tư tại chính ngân hàng họ vay đang bán (vì sản phẩm đó hấp dẫn hơn sản phẩm bảo hiểm của công ty khác, hoặc muốn mua để đạt được 2 mục đích : vừa đáp ứng đúng nhu cầu mua bảo hiểm thực sự của mình, vừa “ủng hộ” ngân hàng…), thì quy định này lại hạn chế lựa chọn của khách hàng.

 Thông tư 67 quy định đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Ảnh: T.T.D.

Thông tư 67 quy định đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Ảnh: T.T.D.

- Vừa qua, nhiều thông tin lùm xùm về hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã gây xôn xao dư luận, ông cho rằng người tham gia bảo hiểm nên có nhận thức ra sao và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp đến đâu?

Khách hàng cũng phải là người có trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm, trước tiên cần nhận thức và cân nhắc kỹ lưỡng, xác định đúng nhu cầu bảo vệ, khả năng tài chính của mình để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên cơ sở hiểu đúng rằng, việc mua bảo hiểm để cho mục đích bảo vệ tài chính - sức khỏe của bản thân và gia đình, chứ không phải “khoản phí” để giải ngân khoản vay. Khách hàng có quyền yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp bảng minh họa sản phẩm đầy đủ để tránh bất kỳ hiểu lầm nào, cần làm rõ các thắc mắc, đặc biệt không nên mua bảo hiểm chỉ vì bị áp lực hay cả nể.

- Bên cạnh quy định mới của Bộ Tài chính nhằm ổn định và lành mạnh hoá thị trường bảo hiểm, chúng ta còn những giải pháp nào khác, thưa ông?

Thứ nhất, thường xuyên đào tạo nâng cao nhận thức tuân thủ của nhân viên ngân hàng về pháp luật trong kinh doanh bảo hiểm cũng như quy tắc ứng xử nghề nghiệp đại lý bảo hiểm.

Thứ hai, tăng cường truyền thông tới khách hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của họ, về đặc thù của các sản phẩm bảo hiểm đặc biệt với sản phẩm bảo hiểm phức tạp như liên kết đầu tư đơn vị để khách hàng hiểu rõ các sản phẩm và mục đích của việc mua bảo hiểm nhân thọ là gì.

Thứ ba, đề nghị ngân hàng xây dựng quy chế xử phạt vi phạm nhân viên của tổ chức tín dụng bán bảo hiểm để có các biện pháp xử lý kỷ luật đối với nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm nếu phát hiện việc vi phạm quy trình bán bảo hiểm, tư vấn sai cho khách hàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • “Vượt trần

    “Vượt trần" bảo hiểm y tế, hơn 7.000 tỷ đồng chưa được thanh toán

    01:08, 17/11/2023

  • Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN

    Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN

    13:41, 15/11/2023

  • Nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn kênh Bancassurance qua cuộc thi Banca:100

    Nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn kênh Bancassurance qua cuộc thi Banca:100

    08:54, 22/08/2023

  • Kiểm soát chất lượng Bancassurance: Áp chỉ số như phân loại nợ xấu

    Kiểm soát chất lượng Bancassurance: Áp chỉ số như phân loại nợ xấu

    05:30, 03/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Minh bạch hóa hoạt động bancassurance: Tăng kiểm soát hoạt động đại lý bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO