10 Hiệp hội doanh nghiệp vừa cùng ký vào văn bản gửi UBTVQH và các đơn vị liên quan đề nghị được đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi, đặc biệt các quy định về phí công đoàn 2%.
Thực tế, Luật Công đoàn (sửa đổi) với nhiều quy định về kinh phí, trích lập, sử dụng quỹ công đoàn, các quy định tổ chức công đoàn đang là “nỗi lo” của cộng đồng doanh nghiệp. Chia sẻ với DĐDN, nhiều Hiệp hội cho biết, nỗi lo lớn nhất chính là câu chuyện 2% phí công đoàn.
Theo quy định tại Luật Công đoàn, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp là 2% quỹ tiền lương đơn vị. Người lao động đóng tiền đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương. Mức phí này cao hơn nhiều so với các tổ chức đoàn thể khác như: Đảng phí (0.5% -1%/người/năm lương đóng BHXH), đoàn phí đoàn thanh niên (60.000 đồng/người năm), Hội phụ nữ (20.000 đồng/năm).
Theo tính toán của các chuyên gia, với mức đóng nộp như hiện nay thì cả nước với 18-20 triệu người lao động đang hưởng lương thì nguồn thu phí công đoàn khoảng 24.000 tỷ đồng/năm. Trong khi Đảng phí 0.5%-1% của trên 4 triệu đảng viên (gần 2.000 tỷ đồng/năm). Với DNNVV quy mô 2.000 người lao động phải đóng khoảng 2 tỷ đồng/năm, có doanh nghiệp lớn phải đóng 21 tỷ đồng/năm. Số tiền này đôi khi còn “nhiều hơn cả tiền thuế” thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, không chỉ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp, khoản phí này còn nghịch lý ở chỗ doanh nghiệp càng tạo nhiều công ăn việc làm càng phải nộp phí cao.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, khi nghiên cứu Luật Công đoàn, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi: Khoản kinh phí công đoàn 2% mà Luật Công đoàn quy định có bản chất như một loại thuế, chứ không phải phí? Phí công đoàn là khoản 1% công đoàn viên phải nộp, đó là phí. Còn khoản 2% này, với cách thiết kế như hiện nay, bản chất như thuế, bắt buộc phải nộp, bất kể có dùng dịch vụ hay không.
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, nguồn thu 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động là lượng kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí này còn rất bất cập.
“Có những thời điểm, công đoàn cơ sở cũng muốn sử dụng nguồn thu này vào nguồn phúc lợi cho người lao động, ví dụ xây siêu thị giá rẻ ở khu công nghiệp, khu kinh tế, nhưng hiện tại không có cơ chế để thực hiện”, ông Dương nói. Điều này khiến Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, phí công đoàn hiện kết dư lên tới gần 29.000 tỷ đồng.
Do đó, các hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay, giảm hay thậm chí bỏ quy định về phí công đoàn này ra khỏi Luật Công đoàn là giải pháp thiết thực nhất và phù hợp.
Trong khi đó, mặc dù cơ bản tán thành việc cần thiết quy định để duy trì nguồn tài chính công đoàn như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định, tuy nhiên, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần có quy định cụ thể, minh bạch hơn về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
“Giữ nguồn kinh phí này, thì công đoàn phải đặt ra cho mình mục tiêu xây dựng đủ cơ chế để đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa để doanh nghiệp phát triển, để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Nếu giữ lại nguyên nguồn thu như hiện nay, công đoàn sẽ chi thêm khoản nào để chăm lo, bảo vệ cho người lao động, cũng cần phải làm rõ. Vì hiện tại, còn nhiều hoạt động bảo vệ người lao động đang bị hổng, luật chưa quy định. Chẳng hạn, chưa có cơ chế bảo vệ đối với nhóm lao động phi chính thức, nhất là tại các nghiệp đoàn, như nghiệp đoàn nghề cá, nghiệp đoàn xe ôm...”, Bà Lan nhấn mạnh.
Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM:Hiệu quả của 2% kinh phí công đoàn này là đã giải quyết các câu chuyện: Tranh chấp trong quan hệ lao động, chủ bỏ trốn, thu hẹp điều chỉnh sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo cho người lao động, giải quyết người lao động nhập cư,… Do đó, cần được duy trì nhưng cần có khung pháp lý mạnh hơn, thực hiện tốt hơn chức năng vai trò của từng công đoàn cơ sở. Nếu không có nguồn kinh phí để thực hiện các công việc đại diện, bảo vệ quyền lợi thì quan hệ lao động ít nhất là tại TP.HCM không diễn ra suôn sẻ như hiện nay. Ls Trương Thị Hòa - Văn phòng Luật sư Trương Thị Hoà:Kinh phí công đoàn là nguồn đảm bảo hoạt động của công đoàn do đó, cần được duy trì là cơ sở vật chất đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tuy nhiên, phải đảm bảo công khai, minh bạch hơn nữa trong quản lý và sử dụng tài chính công đoàn. Việc sử dụng 2% phí công đoàn là vấn đề lớn cần được quy định cụ thể. Ngay cả với trường hợp có những doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở thì việc đóng 2% kinh phí này cần được thực hiện bởi công đoàn cấp trên trực tiếp và có quy định quản lí rõ ràng. |
Có thể bạn quan tâm
16:56, 24/09/2020
05:20, 10/09/2020
06:15, 09/09/2020
11:38, 08/09/2020