MỞ CỬA DU LỊCH: Sớm phục hồi và phát triển

DIỄM NGỌC - Ảnh: QUỐC TUẤN 11/03/2022 09:17

Dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh

Chuyển mình sau đại dịch

Phát biểu tạiDiễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 11/03/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Theo báo cáo của UNWTO, dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành Du lịch thế giới về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch thậm chí cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong lịch sử hơn 60 năm đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra. Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Đến nay, sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không COVID-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh Châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.

“Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/02/2022 khiến cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động du lịch.

Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’, ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, sớm phục hồi Du lịch bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép’’ vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục trưởng bày tỏ.

Năm 2021, ngành Du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Riêng Chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. Khách du lịch nội địa tháng 02/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 02/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021.

Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (Theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21/1 tăng 425%, thời điểm ngày 3/2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao, khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng cho việc mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay. Lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.

Vị Tổng cục trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc mở lại hoạt động du lịch cần đảm bảo bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/01/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.

>>"Luồng xanh" cho du lịch cất cánh: Cần “cơ chế mở”

Tạo “luồng xanh” cho du lịch

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để tạo “luồng xanh’’ cho Du lịch Việt Nam, một số vấn đề đặt ra được xác định như sau:

Thứ nhất, về vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trên thế giới, các làn sóng dịch vẫn có nguy cơ diễn ra khi tiến hành mở cửa ở quy mô rộng và các biện pháp đảm bảo an toàn không được duy trì triệt để, cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng vi rút mới là vấn đề đáng quan tâm. Theo cập nhật mới nhất ngày 4/3/2022 trên trang thông tin của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Mỹ, gần 160 quốc gia vùng lãnh thổ được đưa vào danh sách mức độ 4 ‘’Không đi lại’’

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh; Chuyên đề I: “Mở cửa du lịch linh hoạt - an toàn - hiệu quả” do VCCI chỉ đạo, Tổng Cục du lịch, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đang được triển khai và đạt tín hiệu khả quan, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch lớn độ bao phủ vắc-xin giữa một số địa phương, cũng như còn có sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa một vài địa phương cũng như tình hình lây lan dịch bệnh trên cả nước hiện nay với các biến chủng trong đó có Omicron.

Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP; Hướng dẫn số 3862/BVHTTDL-TCDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Thứ hai, về vấn đề tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế: Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022. Các chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại hoạt động như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.

Thứ ba, về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19. Căn cứ kết quả cuộc họp ngày 15/02/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 440/BVHTTDL-TCDL ngày 15/02/2022 và công văn số 464/BVHTTDL-TCDL ngày 17/2/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả cuộc họp và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020. Vừa qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đều đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh.

Thứ tư, về vấn đề công nhận hộ chiếu vacxin, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành Du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành Ngoại giao phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.

Thứ năm, về vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ thị trường du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa lại hoạt động du lịch.

Thứ sáu, về vấn đề cạnh tranh điểm đến, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành Du lịch, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chuẩn bị sẵn sàng thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo, có những địa phương đứng đầu bảng danh sách về chỉ số cạnh tranh điểm đến, có địa phương thì chỉ số cạnh tranh còn hạn chế. Thực tế đó tuy chưa phản ảnh hết mức độ canh tranh điểm đến của cả nước nhưng đã phần nào chỉ ra năng lực cạnh tranh của những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Theo đó, làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Thứ bảy, về vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam cần phải làm gì trong xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh luôn là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Các địa phương xem xét ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.

Thứ tám, về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên.

Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2021, Du lịch Việt Nam vẫn ghi dấu bằng một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín như: Việt Nam là Điểm đến văn hóa, Điểm đến di sản, Điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất châu Á, Tổng cục Du lịch Việt Nam được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu Châu Á (giải thưởng do WTA - World Travel Awards bình chọn). Việt Nam cũng được tạp chí Travel & Leisure của Mỹ xếp hạng đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến danh cho du lịch cá nhân năm 2021, trong khi đó, CNN Travel 21 điểm đến tốt nhất cho năm 2021 dựa trên đánh giá kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

“Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế (gồm cả hoạt động du lịch đón khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) sẽ góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp du lịch và ngành Du lịch Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng, phục hồi mạnh mẽ, góp phần tạo dựng từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá cho Du lịch Việt Nam phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch – đòn bẩy quan trọng phục hồi kinh tế

    09:09, 11/03/2022

  • "Thời điểm vàng" quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới

    08:50, 11/03/2022

  • [TRỰC TIẾP] Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh

    08:30, 11/03/2022

  • "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh: Cần “cơ chế mở”

    05:20, 11/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
MỞ CỬA DU LỊCH: Sớm phục hồi và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO