Việt Nam cần tập trung vào ba vấn đề gồm: Áp lực và khát vọng, những nhân tố tích cực và thuận lợi gần đây, và những thách thức đối với Việt Nam.
Độc lập luôn là khát vọng cháy bỏng của người Việt Nam gắn với lòng yêu nước nồng nàn như Hồ Chủ tịch đã chỉ ra: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Trong chiến tranh, Việt Nam luôn tập hợp được những người tài năng với trí tuệ tập thể để lèo lái, đưa dân tộc vượt qua khó khăn, đi đến thắng lợi cuối cùng. Cho dù phải hy sinh rất nhiều, nhưng người Việt Nam đã đồng lòng và làm rất tốt. Khi chiến thắng, cả nước đã hòa chung niềm vui với niềm cảm hứng bất tận.
Không may thay, Việt Nam vẫn chưa làm được như kỳ vọng trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Khát vọng dân giàu nước mạnh của chúng ta, thẳng thắn mà nói, chưa bao giờ mãnh liệt. Đây có lẽ là một căn nguyên then chốt dẫn đến tình trạng Việt Nam chưa có được những thành công như mong đợi.
Tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với khó khăn để vượt qua thử thách làm đến nơi đến chốn, làm cho bằng được chưa được phát huy đúng mức. Những mục tiêu hay dự định lớn lao đều chưa thể đẩy lên và đạt được các kết quả như mong đợi.
Trong suốt chiều dài lịch sử, thời kỳ kinh tế xã hội phát triển rực rỡ nhất chính là hơn ba thập niên Đổi mới vừa qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ ở mức vừa phải nên không có nhiều “men say chiến thắng” tạo ra niềm cảm hứng cho cả dân tộc.
Trí tuệ tập thể, đặc biệt là đội ngũ trí thức tinh hoa của dân tộc chưa được phát huy và nhiều người vẫn chưa chọn quê hương là nơi thi thố tài năng của mình. Sự thông thái tập thể chưa được tạo ra. Kinh nghiệm của những nơi thành công cho thấy, những kỳ tích tạo ra men say chiến thắng và niềm hứng khởi cho dân tộc là hết sức quan trọng.
Nếu Việt Nam có được các thành tựu kỳ vĩ kích hoạt khát vọng vươn lên và men say thành công thì con đường đi đến thịnh vượng sẽ hiện thực hơn. Khát khao cháy bỏng về những kỳ tích của dân tộc được thể hiện rất rõ trong cách người dân ăn mừng những thành tựu của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Làm thế nào để có được niềm cảm hứng liên tục cho cả dân tộc?
Có ít nhất ba nhân tố tích cực và thuận lợi cho Việt Nam.
Đầu tiên là thành công và tác dụng của chiến dịch chống tham nhũng. Đây là một điều kiện quan trọng để có thể đưa ra những quyết sách quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, những kết quả kinh tế khả quan và môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện với sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp dân tộc. Sự chuyển hướng vào các hoạt động có hàm lượng chất xám cao hơn và lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp dân tộc là một chỉ báo tích cực cho mục tiêu tạo dựng một quốc gia hùng cường.
Lực lượng này đang lớn mạnh. Tuy nhiên, những quyết sách và đường hướng điều hành kinh tế mang tính chiến lược chưa nổi lên rõ ràng. Liên minh chiến lược giữa nhà nước, các doanh nghiệp dân tộc và đội ngũ trí thức tinh hoa chưa được hiện rõ. Điều này, có lẽ là do những trục trặc của hệ thống hiện tại và đường hướng phát triển quốc gia chưa thực sự tường minh gắn với khát vọng hùng cường của dân tộc. Thêm vào đó, những mầm móng của quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm liên quan đến các doanh nghiệp dân tộc vẫn đang âm ỷ và nó có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Thứ ba, vị trí của Việt Nam trên thế giới được nâng cao. Những thành quả đạt được và tiến trình mở cửa của Việt Nam cũng như việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tính hiệu quả trong việc chống Covid-19 đã làm cho uy tín và vị trí của Việt Nam gia tăng. Hơn thế, vị trí địa chiến lược cũng là một lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào để giữ được vị trí có lợi cho mục tiêu của mình, tránh bị lôi kéo vào những xung đột hay căng thẳng không cần thiết.
Thách thức đầu tiên là sự mai một niềm tin của người dân. So với thế giới, những kết quả đạt được trong hơn 3 thập kỷ qua của Việt Nam là rất đáng kể, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng của toàn dân tộc.
Thứ hai, thiếu niềm tin và khát vọng dẫn đến tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ công chức trong “cơ chế khuyến khích ngược” của khu vực công. Mục tiêu của hầu hết những người đi làm là thu nhập và thăng tiến.
Thứ ba, nguy cơ của tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn là một vấn đề rất lớn như đã phân tích ở trên. Từ kinh nghiệm của các nước khác, nguy cơ đi vào con đường không mong đợi, mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam đang cao hơn so với việc đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển.
Thứ tư, sự khó lường của bối cảnh quốc tế và vấn đề địa chính trị. Thế giới đang ở một trạng thái hết sức khó lường và rất khó dự đoán. Với một quốc gia có độ mở của nền kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới như Việt Nam và là tâm điểm trong tranh chấp và tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc mạnh nhất thế giới hiện nay là Mỹ và Trung Quốc nên mọi chuyện còn khó khăn hơn rất nhiều. Thêm vào đó, Covid-19 đã làm cho thế giới hoàn toàn thay đổi. Một số phân tích gần đây cho thấy đại họa dịch bệnh mới chỉ là bước đầu, những đợt sóng thần tiếp theo có thể là suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
06:00, 05/02/2021
05:30, 04/02/2021
06:00, 01/02/2021
05:27, 30/01/2021
05:00, 28/01/2021
06:00, 27/01/2021
05:00, 26/01/2021
06:00, 25/01/2021