Bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup cho rằng, mô hình start-up Việt sẵn sàng phải “đập đi xây lại”, phải thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn và tiếp nhận thông tin hoàn toàn theo tư duy toàn cầu.
Với kinh nghiệm của người đứng đầu V-startup - công ty thời gian qua đã giúp start-up Việt, chuyên gia hay đại diện chính phủ tiếp cận quốc tế thông qua một loạt sự kiện khởi nghiệp lớn như BIXPO, K-Startup tại Hàn Quốc, Big Bang Thái Lan... và Techfest tại Việt Nam, bà Nguyễn Thy Nga cho rằng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đang có môi trường thuận lợi để phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đó là một môi trường thực sự sôi động, chính sách cởi mở. Các cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đón nhận và cũng đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp start-up.
Cùng với đó, chất lượng start-up Việt không chỉ xuất sắc tầm khu vực mà cả trên thế giới. Điển hình là Abivin - start-up Việt cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải của Việt Nam đã tham gia tranh tài cùng các doanh nghiệp từ hơn 40 quốc gia trên thế giới như Nhật, Mỹ, Canada, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…và trở thành quán quân Start-up World Cup 2019 với giải thưởng 1 triệu USD từ quỹ đầu tư.
“Tuy nhiên, khi Việt Nam có rất nhiều nguồn quỹ đến đầu tư thì điều khó khăn lại chính là năng lực của start-up. Năng lực của start-up Việt có đủ đáp ứng được mong đợi của thị trường hay không, sản phẩm của các bạn đem ra có giải quyết bài toán nào đấy của thị trường hay không. Năng lực của start-up có trở thành công dân toàn cầu đi gọi vốn, tự tin đưa ra điểm mạnh của start-up của mình hay không. Hay tầm nhìn của các bạn, mong muốn của các bạn chỉ nhìn thấy khoảng rất nhỏ, không thể giải quyết được bài toán của quỹ đầu tư mong đợi, không thể phát triển được mô hình ra với khu vực và thế giới”, bà Nga trăn trở.
Với tư cách là một nhà tư vấn, bà Nga cho rằng cần phải định nghĩa lại một chút về khởi nghiệp: “Nói khác đi là mô hình start-up phải sẵn sàng “đập đi xây lại”, phải thay đổi hoàn toàn mới, phải thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn và tiếp nhận thông tin hoàn toàn theo tư duy toàn cầu”.
Giám đốc V-startup cho rằng, các nhà khởi nghiệp bắt buộc phải sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi. Thành công của Abivin chính là biết tiếp cận các luồng chính sách và đi nước ngoài, học trực tiếp từ môi trường quốc tế để cảm nhận được một start-up phải như thế nào.
Bà cũng cho rằng, thời gian gần đây nói nhiều đến những doanh nghiệp thuần Việt nhưng những start-up đấy hoàn toàn được thừa hưởng từ môi trường quốc tế. Các công ty khởi nghiệp này đã có tư duy toàn cầu, có những khái niệm rất rõ ràng về việc start-up là làm thế nào để gọi vốn, xây dựng những mô hình sản phẩm.
Bài toán mà nhà đầu tư đưa ra là doanh nghiệp phải có một tư duy để đưa ra một sản phẩm đáp ứng được thị trường và thị trường bây giờ cũng không có khái niệm biên giới quốc gia. Bởi vì, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, đồng nghĩa với sản phẩm của start-up Việt mà họ đầu tư phải có khả năng phát triển ra khu vực và toàn cầu.
Lời khuyên của bà Nga đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là phải tạo được sự tin tưởng giữa nhà đầu tư với start-up. Hai bên phải có chung tầm nhìn vào tương lai của sản phẩm. Có như vậy, nguồn vốn đầu tư mới thực sự được các start-up sử dụng thành công.