Các nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard – Smithsonian tạo ra mô phỏng chưa từng có về cấu trúc bên trong của vật chất tối.
Vật chất tối từ lâu đã gây bối rối trong giới khoa học dù ước tính chúng chiếm tới 85% vật chất trong vũ trụ. Không thể chụp ảnh được vật chất tối vì chúng không tương tác với ánh sáng. Chỉ có thể phát hiện vật chất tối thông qua lực hấp dẫn của chúng, tương tự như việc không thể nhìn thấy gió nhưng có thể chứng kiến lá và cành cây xào xác.
Theo RT, các nhà khoa học đã quan sát thấy ảnh hưởng được cho là của vật chất tối trên quy mô thiên hà vì chúng tạo thành "quầng sáng" xung quannh các cụm thiên hà.
Theo mô phỏng của các nhà nghiên cứu Harvard do nhà khoa học Jie Wang dẫn đầu, những quầng sáng vật chất này hình thành ở mọi quy mô khối lượng, từ thiên hà cho tới hành tình.
Trong suốt 5 năm nghiên cứu và phát triển mô hình, nhóm nghiên cứu giả định rằng vật chất tối có khối lượng gấp gần 100 lần proton và được tạo thành từ các hạt có khối lượng lớn và sức tương tác lại rất yếu trong vũ trụ.
Tuy nhiên, khác với các mô phỏng vật chất tối trước đây, mô phỏng của Wang và các đồng nghiệp có độ phân giải cao chưa từng có nhờ áp dụng kỹ thuật đa khuếch đại trên siêu máy tính.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, bất kể ở quy mô nào, những quầng sáng này có cấu trúc giống nhau, dày đặc hơn về phía trung tâm và khuếch tán ra phía rìa.
Các quầng sáng ở quy mô hành tinh vì quá nhỏ nên không thể phát hiện thông qua ảnh hưởng của chúng với ánh sáng xung quanh. Tuy nhiên, chúng giúp xác nhận 1 giả thuyết khác về vật chất tối là nó phát ra bức xạ gamma khi các hạt của nó va chạm với nhau.
"Điều này xác nhận bản chất giả thuyết của vật chất tối rằng chúng có thể không hoàn toàn tối", đồng tác giả nghiên cứu Simon White tới từ Viện Vật lý Thiên văn Max Planck cho hay.