VCCI

Mở rộng tiềm năng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Tanzania

Cẩm Anh 29/04/2025 15:55

Việt Nam và Tanzania đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế nhờ mối quan hệ song phương ngày càng phát triển và sự bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.

1.jpg
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Đông Phi nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania Mahmoud Thabit Kombo.

Sáng 28/4, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã tiếp đón và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Đông Phi nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania Mahmoud Thabit Kombo.

Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania cho biết phía Tanzania đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác với Việt Nam; nhấn mạnh: với vị trí chiến lược ở Đông Phi, Tanzania sẵn sàng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn như Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Tanzania.

Bộ trưởng cũng đề nghị VCCI xem xét thúc đẩy tăng cường nhập khẩu các hàng hóa mà Tanzania có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như bông, khoáng sản. Tanzania cũng đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác với Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng mà Tanzania có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển, thu hút đầu tư từ Việt Nam như công nghiệp hóa, viễn thông, chuyển đổi số, chế biến nông sản, công nghệ sau thu hoạch, khai khoáng…

Đánh giá quan hệ Việt Nam - Tanzania là mối quan hệ lịch sử, có nền tảng chính trị vững chắc, được các nhà lãnh đạo lỗi lạc của hai nước gây dựng và phát triển, Bộ trưởng Mahmoud Thabit Kombo nhận định, với những tiến triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác song phương thời gian vừa qua, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ là một trong những trụ cột quan trọng trong tương lai.

Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania kỳ vọng, với sự phối hợp của VCCI, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, mở ra cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp hai bên.

2(1).jpg
Chủ tịch VCCI chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania và doanh nghiệp hai nước tham dự buổi gặp gỡ.

Theo Chủ tịch VCCI, VCCI luôn nhận được quan tâm của doanh nghiệp về việc tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sang Tanzania một số mặt hàng như nông thuỷ sản, thực phẩm, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng... và nhập khẩu từ Tanzania một số mặt hàng như hạt điều thô, bông, gỗ tự nhiên... Bên cạnh đó, các hợp tác trong thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác về logistics, vận tải biển với Tanzania cũng nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra rằng, trao đổi thông tin giữa hai nước còn rất hạn chế, đặc biệt là thông tin trong lĩnh vực thương mại. Các doanh nghiệp của hai nước chưa hiểu biết nhiều về thị trường, tập quán kinh doanh của nhau.

Thực tế một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Tanzania thông qua các công ty trung gian nước ngoài. Các doanh nghiệp Tanzania có khả năng tài chính còn hạn chế nên buôn bán trực tiếp theo phương thức mở L/C là khó thực hiện.

Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đề xuất phía Tanzania phối hợp chặt chẽ với VCCI tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, làm ăn hiệu quả.

Chủ tịch VCCI cam kết, VCCI tiếp tục hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania, các tổ chức xúc tiến tại Tanzania tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường, cơ hội đầu tư, kết nối các đối tác tiềm năng cho doanh nghiệp hai bên; cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Tanzania xác minh doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.

Hiện Tanzania đang nổi lên là đối tác cung ứng hạt điều nguyên liệu hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt trên 240 triệu USD, vượt mức của cả năm 2024. Về hợp tác đầu tư, liên doanh viễn thông HALOTEL của Tập đoàn Viettel được phía Tanzania đánh giá cao. Hợp tác thương mại, nông nghiệp, thông tin truyền thông giữa hai nước có nhiều tiến triển.

Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 300 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Tanzania đạt 71,7 triệu USD gồm 2 mặt hàng là gạo và hàng dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Tanzania đạt 228,4 triệu USD gồm hạt điều và một số loại hàng hoá khác.

Tanzania đang có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ chế biến hạt điều từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Tanzania cũng muốn hợp tác liên doanh với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, sản xuất sữa, sản xuất nước hoa quả, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tanzania cũng là thị trường có thể nhập khẩu một số sản phẩm như gỗ teck, hạt điều...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng tiềm năng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Tanzania
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO