Vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu đã dẫn đến việc đồng USD bị định giá quá cao, khiến chính sách áp thuế nặng sẽ cản trở đưa sản xuất trở lại nền kinh tế.
Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ làm khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, có không ít lo ngại về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những rủi ro này đã bị đẩy lên quá mức cần thiết và không có lý do gì để lo ngại rằng chiến thắng của ông Trump sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế lành mạnh của Việt Nam.
Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua ghi nhận rất nhiều tuyên bố thái quá và thông tin cường điệu từ truyền thông, điều này khiến nhiều cử tri cảm thấy như đó là thông tin để vận động tranh cử thay vì thông tin công bằng, khách quan – nhưng cũng chính điều này dẫn đến những quan ngại thái quá về tác động kinh tế của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump. Chúng tôi tin rằng thực tế những gì sắp xảy ra cũng bình thường, và dưới đây là một số nhận định về mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh ông Trump tái đắc cử.
Cả hai ứng cử viên tổng thống đều cam kết sẽ đưa các công việc sản xuất trở lại Mỹ nếu họ chiến thắng. Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thuế 20-30% đối với các quốc gia khác để thực hiện mục tiêu này. Theo nhận định của VinaCapital, ông Trump muốn các nhà sản xuất Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Mỹ và thuê công nhân Mỹ, giống như những gì Nhật Bản đã làm trong thập niên 1980 và 1990.
Chúng tôi cho rằng ông Trump đã hứa áp thuế cao trong chiến dịch tranh cử vì: 1) mối đe dọa về thuế (đặc biệt là đối với Trung Quốc và Mexico) là một khẩu hiệu mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, thu hút sự ủng hộ từ một trong những nhóm cử tri chủ chốt của ông Trump là tầng lớp công nhân lao động, và 2) con số 60% có thể chỉ là một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc (với bối cảnh ông Trump là một nhà phát triển bất động sản, một ngành nghề thường có các chiến lược đàm phán "mở đầu" cực đoan).
Thực tế, ông Trump đã tập hợp một đội ngũ cố vấn kinh tế rất am hiểu và tài năng, những người có khả năng ảnh hưởng lớn hơn đối với ông so với các cố vấn trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, và họ hoàn toàn hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Những hậu quả tiêu cực này bao gồm việc cản trở quá trình đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, vì thuế cao sẽ đẩy giá trị đồng USD lên.
Hơn nữa, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế khi chỉ ra rằng vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu đã dẫn đến việc đồng USD bị định giá quá cao – điều này khiến việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ không khả thi về mặt kinh tế. Việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Một mối lo ngại gần hơn là nền kinh tế Mỹ đang hướng tới tình trạng “lạm phát đình trệ” (stagflation - có nghĩa là lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp) tồi tệ nhất kể từ những năm 1970, do nhiều lý do, trong đó có việc nợ công Mỹ gia tăng nhanh chóng. Lạm phát đã thấp khi ông Trump áp thuế lên Trung Quốc, nhưng lần này, việc áp thuế nặng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát mạnh mà nền kinh tế Mỹ rất có thể sẽ gặp phải vào năm tới (dù ứng cử viên tổng thống nào thắng cử). Ông Trump đã chứng tỏ rằng sẽ không đặt lý tưởng lên trên yếu tố kinh tế, do đó rất ít khả năng ông sẽ thực hiện các hành động làm gia tăng lạm phát, đặc biệt khi lý do chính khiến ông tái đắc cử là sự bất mãn của cử tri đối với nền kinh tế.
Trung Quốc mới là mục tiêu, không phải Việt Nam: Ông Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và ông Biden đã tiếp tục, thể hiện rõ rằng cả hai đảng chính trị của Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Ngược lại, chúng tôi đã có nhiều thảo luận và khẳng định về việc Mỹ đang mở rộng mối quan hệ kinh tế tích cực với Việt Nam, ở cấp cao nhất của chính phủ Mỹ. Hơn nữa, ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân túy, và Việt Nam được cử tri Mỹ đánh giá cao; chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự phản đối đáng kể nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm "made in Vietnam" từ người tiêu dùng Mỹ.
Do đó, không có lý do gì để Trump nhắm vào Việt Nam từ góc độ dân túy. Trên thực tế, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, bởi mức lương cao và sự khan hiếm công nhân nhà máy có tay nghề sẽ hạn chế nỗ lực của Mỹ trong việc đưa các công việc sản xuất trở về, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao – điều mà chúng tôi đã đề cập trong các báo cáo trước. Tóm lại, Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ, và ông Trump sẽ thích nếu họ không mua hàng từ Trung Quốc.
Sẽ có ít sự hỗn loạn hơn lần trước: Ông Trump thực sự không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, và kết quả là, ông đã bước vào Nhà Trắng mà không chuẩn bị đầy đủ cho những thử thách phía trước (theo lời ông tự thuật và các cuộc phỏng vấn). Lần này, ông Trump có sự hiểu biết tốt hơn về cách thức hoạt động của chính quyền và có những doanh nhân thông minh, thành đạt tư vấn, vì vậy ông có khả năng sẽ có một cách tiếp cận tập trung hơn đối với các vấn đề thương mại.
Thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ có thể trở thành vấn đề: Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Vào một thời điểm nào đó, sự mất cân bằng này sẽ trở thành vấn đề đối với chính quyền của ông Trump. May mắn thay, điều này có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách mua các sản phẩm giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ.
Cuối cùng, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền ông Trump. Chính sách "Ngoại giao cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ tốt với tất cả các cường quốc trên thế giới đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công, và không có lý do gì để tin rằng điều này sẽ thay đổi. Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hơn nữa, nếu Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI. Do đó, những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỷ USD vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt-Mỹ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, với 111,5 tỷ USD. Năm 2022, giá trị thương mại 2 chiều là 124 tỷ USD. Năm 2023 với sự sụt giảm về kinh tế, tiêu dùng, đã giảm xuống còn 110,8 tỷ USD.
10 tháng năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch thương mại 2 chiều của cả năm ngoái. Trong đó, tăng mạnh mẽ hơn cả ở chiều xuất khẩu với kim ngạch gần 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%. Theo đó, đây là năm thứ 4 liên tiếp kim ngạch thương mại 2 chiều giữ trên 100 tỷ USD. Mỹ vừa là thị trường có nhiều ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam (13 ngành hàng), cũng là thị trường có nhiều vụ điều tra liên quan đến hàng Việt Nam xuất khẩu (70 vụ).
Dưới thời "Trump 1.0", Bộ Tài chính Mỹ từng xác định Việt Nam trong danh sách thao túng tiền tệ, tuy nhiên sau điều tra thương mại, đã quyết định chưa áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Hai bên đã tìm hướng giải quyết để tránh tác động suy giảm tỷ giá tiền tệ và Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách theo dõi sau đó. (LM)
*Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường