Mối lo lớn của điện máy Trần Anh

Khánh Hà 12/05/2020 10:53

Cắt mạch lỗ nhờ lợi nhuận từ cho thuê mặt bằng và lãi tiền gửi sau hai năm trở thành công ty con của Thế Giới Di Động tuy nhiên Trần Anh lại đối mặt với rủi ro bị trả mặt bằng kinh doanh.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Công ty CP Thế giới số Trần Anh (chủ sở hữu thương hiệu Điện máy Trần Anh) cho biết, dù ghi nhận gần 139 tỷ đồng doanh thu.

Trần Anh từng là chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất khu vực phía Bắc trước khi bị thâu tóm bởi Thế giới Di động

Trần Anh từng là chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất khu vực phía Bắc trước khi bị thâu tóm bởi Thế giới Di động

2019 là năm đầu tiên Trần Anh hoạt động mà không ghi nhận doanh thu từ bán hàng điện máy (đã bán toàn bộ hàng tồn kho cho Thế giới Di động). Vì vậy, số doanh thu ghi nhận trong năm vừa qua đã giảm tới 96%, đạt gần 139 tỷ đồng.

Trong đó, 99,7% doanh thu đến từ hoạt động cho Thế giới Di động thuê lại các mặt bằng bán hàng trước đó là cửa hàng Điện máy Trần Anh.

Tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn, ông chủ chuỗi điện máy nổi tiếng một thời này chỉ ghi nhận gần 2 tỷ tiền lãi gộp trong cả năm, trong khi số thu cùng kỳ đạt 316 tỷ đồng.

Khi không còn doanh thu từ hoạt động bán hàng, lãi gộp từ việc cho thuê mặt bằng thấp, lợi nhuận của Trần Anh đang phụ thuộc chính vào hoạt động mang tiền đi gửi ngân hàng.

Cụ thể, nhờ 138 tỷ đi gửi ngân hàng hưởng lãi suất 7,5-7,7%/năm, công ty này thu về gần 9 tỷ đồng tiền lãi năm vừa qua. Số lợi nhuận từ tiền gửi này chiếm tới hơn 80% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong năm (trên 10 tỷ).

Cũng do không còn hoạt động bán hàng nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Trần Anh cũng ở mức rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng (so với hơn 300 tỷ năm 2018).

Việc cắt giảm được hàng trăm tỷ đồng chi phí cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận trước và sau thuế cả năm 2019 của Trần Anh đạt số dương hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ. Năm 2017 trước đó, dù ghi nhận hơn 3.500 tỷ doanh thu nhưng hoạt động kinh doanh của chuỗi điện máy này vẫn lỗ trước thuế gần 63 tỷ đồng.

Trần Anh bắt đầu chuyển đổi cơ cấu kinh doanh từ cuối năm 2018, tức gần một năm sau khi "về một nhà" với Thế Giới Di Động. Theo tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm nay, công ty cho biết tiếp tục theo đuổi chiến lược tận dụng lợi thế mặt bằng để cho Thế Giới Di Động hoặc bên thứ ba thuê lại với điều kiện doanh thu cao hơn giá vốn. Rủi ro duy nhất được nhắc đến là bị trả mặt bằng kinh doanh. 

Cùng với đó là hoạt động cấp quyền sử dụng thương hiệu Trần Anh cho Thế giới Di động thuê lại để kinh doanh chuỗi bán lẻ điện máy.

Chuỗi điện máy nổi tiếng một thời này đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với 140 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương con số đạt được trong năm 2019 vừa qua.

Trần Anh từng là chuỗi siêu thị điện máy có quy mô lớn nhất Hà Nội. Giai đoạn 2005-2006, đây là nhà phân phối lớn nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, việc mở rộng cửa hàng quá nhanh cùng sự xuất hiện của nhiều đối thủ lớn đã khiến hoạt động của chuỗi này sa sút. Đến cuối năm 2017 (trước thời điểm bị bán lại cho Thế giới Di động), Trần Anh lỗ ròng hàng chục tỷ đồng.

Thương vụ mua bán – sáp nhập giữa Thế Giới Di Động và Trần Anh được công bố lần đầu vào giữa tháng 8/2017, khi đó doanh nghiệp dẫn đầu thị phần điện máy muốn nhận chuyển nhượng trên 25% vốn cổ phần của Trần Anh mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Giữa năm sau, Thế Giới Di Động nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 99,33% và thay đổi toàn bộ ban điều hành.

Sau khi bị Thế giới Di động thâu tóm, tất cả cửa hàng điện máy Trần Anh đều đã đổi thành cửa hàng của Điện Máy Xanh. Fanpage của chuỗi ngừng hoạt động quảng bá sản phẩm, thay vào đó là chia sẻ các nội dung về công thức nấu ăn, mẹo vặt nhà bếp, hướng dẫn sử dụng đồ gia dụng trong gia đình...

Nhiều chuyên gia đánh giá việc thâu tóm Trần Anh giúp Thế Giới Di Động chiếm lĩnh thị trường phía Bắc nhanh hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đối thủ. Trần Anh sau đó thanh lý toàn bộ hàng tồn kho, đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản và cho thuê tài sản vô hình để phục vụ chiến lược mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hủy niêm yết cổ phiếu Trần Anh từ ngày 17/9

    Hủy niêm yết cổ phiếu Trần Anh từ ngày 17/9

    22:28, 15/09/2018

  • Trần Anh tiếp tục lỗ dù đã về với Thế giới di động

    Trần Anh tiếp tục lỗ dù đã về với Thế giới di động

    06:05, 19/08/2018

  • TGDĐ sáp nhập Trần Anh rồi “quên”?

    TGDĐ sáp nhập Trần Anh rồi “quên”?

    11:20, 12/02/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mối lo lớn của điện máy Trần Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO