Với môi trường kinh doanh thuận lợi, việc tăng từ hơn 900.000 doanh nghiệp hiện nay lên con số 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 là khả thi.
Ông Phan Hoàng Tuấn - Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Gia Thy đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến hiện thực hoá các mục tiêu của Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Sau khi “Bộ tứ trụ cột” được ban hành, vấn đề được doanh nhân này quan tâm nhiều nhất là việc đưa chính sách mới đi vào cuộc sống để tính ưu việt của các được phát huy và doanh nghiệp được thụ hưởng. Lâu nay, từ thể chế hóa và hiện thực hóa chính sách từ Đảng, Nhà nước đến khâu thực thi rất chậm. Chưa kể, cùng một luật, viên chức ở địa phương này hiểu không giống với địa phương khác.
Để đảm bảo Nghị quyết số 68 được thực thi đúng lộ trình và hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ông Phan Hoàng Tuấn đề xuất cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các quy định pháp luật, tránh chồng chéo làm chậm việc thực thi chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị tới đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình; có hướng dẫn cụ thể, thống nhất quy định, thực thi và phân định rõ nhiệm vụ nhằm khắc phục sự chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Phan Hoàng Tuấn, thể chế là yếu tố cốt lõi nhưng quan trọng hơn cần giám sát thực thi. Do đó, doanh nhân này kiến nghị Quốc hội có cơ chế giám sát với thang đo và chế tài cụ thể để thực thi Nghị quyết nhanh chóng, kịp thời.
Cuối cùng, với các Nghị quyết quan trọng vừa được ban hành, mấu chốt hướng đến là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khi đó, doanh nghiệp tự phát triển, Ông Phan Hoàng Tuấn tin rằng, môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng thì việc tăng từ hơn 900.000 doanh nghiệp hiện nay lên 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 là khả thi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB cũng nhấn mạnh đến động lực phát triển kinh tế tư nhân chính là bao gồm môi trường kinh doanh ổn định, cạnh tranh, mang tính dự báo để doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành tốt. Trong đó, tiên quyết là phải giảm các điều kiện thâm nhập thị trường vừa bảo vệ lợi ích chung vừa đảm bảo thị trường ổn định.
Động lực phát triển kinh tế tư nhân cũng là mục tiêu hướng đến của Nghị quyết số 68. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, cơ quan nhà nước cần tự cam kết thời gian cần thiết để thực hiện việc cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cần phát triển đầy đủ các thị trường. Hiện tại, thị trường tài chính, thị trường đất đai đang yếu; thị trường lao động còn nhiều bất cập, người lao động không biết kỹ năng mình có đang thiếu hay thừa, ngành nghề nào đang cần, mức lương thị trường ra sao…
Trong khi ở các nước phát triển, hệ thống thống kê thị trường lao động rất tốt. Hàng năm đều công bố số liệu cụ thể về các ngành nghề đang tuyển dụng nhiều, lương trung bình, xu hướng thị trường... Những dữ liệu này giúp thị trường lao động vận hành trơn tru hơn và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.